Béo phì và thai nghén

28-01-2014 09:55 | Đời sống
google news

SKĐS - Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, béo phì là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn, hoặc là nguy cơ gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho cả sản phụ và thai nhi.

Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, béo phì là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn, hoặc là nguy cơ gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho cả sản phụ và thai nhi. Vì vậy, cần có những phương pháp chăm sóc đặc biệt, giảm béo trước khi mang thai và tăng cân hợp lý trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.

Những ảnh hưởng xấu

Những người phụ nữ mắc béo phì thường có hiện tượng kinh nguyệt không đều, chu kỳ phóng noãn không xảy ra, sự hòa hợp giữa noãn và tinh trùng có nhiều bất lợi là những lý do gây cản trở quá trình thụ thai. Trường hợp khi đã thụ thai, nguy cơ sảy thai cũng chiếm một tỷ lệ khá cao, có thể là do bản thân chất lượng phôi kém cộng với những thay đổi bất lợi của lớp nội mạc tử cung do béo phì. Bé sinh ra từ sản phụ béo phì có khả năng đề kháng kém, dễ bị nhiễm trùng sơ sinh. Ngoài ra, dị tật bẩm sinh xuất hiện ở thai nhi cũng rất cao. Bình thường, mọi trường hợp mang thai đều có thể gặp phải các biến chứng do thai nghén nhưng người bị béo phì sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng hơn. Theo nghiên cứu mới nhất, hơn 30% phụ nữ tăng cân quá mức trong thời gian mang thai. Người mẹ có thể mắc bệnh đái tháo đường, tiền sản giật, viêm tắc tĩnh mạch, thuyên tắc mỡ do sự vận động kém hoặc ngưng thở tạm thời lúc đang ngủ. Béo phì có thể làm gia tăng nguy cơ tăng huyết áp, tiểu đường trong thai kỳ, có thể dẫn đến tiền sản giật, nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non cũng tăng lên nếu mẹ béo phì hoặc tăng cân quá nhiều trong thời kỳ mang thai.

Béo phì khi mang thai dễ gây biến chứng cho cả mẹ và con

Giải pháp nào?

Trước khi dự định có thai, điều đầu tiên phải đi khám phụ khoa, kiểm tra hệ sinh dục và tính chất chu kỳ kinh của người béo phì, nên điều trị tích cực những bệnh lý có sẵn từ trước như bệnh đái tháo đường, duy trì chỉ số đường huyết luôn ở mức ổn định (5,5 - 6,3mmol/l); Bệnh lý tăng huyết áp, cần kiểm soát huyết áp tối đa ở mức 120 – 130 mmHg và huyết áp tối thiểu ở mức 70 - 80mmHg … Bước tiếp theo quan trọng là làm sao cho trọng lượng cơ thể giảm dần bằng chế độ ăn uống hợp lý và chế độ luyện tập cơ thể ở người béo phì. Sau khi xác định đã có thai cần đi khám bác sĩ sản khoa và bác sĩ dinh dưỡng, để lên kế hoạch chăm sóc đặc biệt. Khám thai định kỳ với ít nhất 3 lần/1 thai kỳ hoặc bất kỳ khi nào nếu có các dấu hiệu bất thường về thai nghén cũng như sức khỏe. Giám sát kỹ chỉ số đường huyết, chỉ số huyết áp cũng như các thông số sinh hóa về chức năng gan, chức năng thận trong suốt thai kỳ làm sao duy trì các chỉ số luôn luôn trong giới hạn bình thường. Trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, có thể gặp các biểu hiện mệt mỏi, nôn nghén, ăn không ngon miệng, trọng lượng sản phụ có thể tăng ít hoặc không tăng. Ba tháng giữa sản phụ có thể tăng 4-5 kg thể trọng. Ba tháng cuối của thai kỳ các nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, hội chứng ống cổ tay khi mang thai, giãn khớp cùng chậu và sinh non là những bệnh lý có thể xảy ra cần được quan tâm theo dõi. Ở giai đoạn này thai nhi và các phần phụ phát triển nhanh, người mẹ có thể tăng 5 -6 kg trong ba tháng cuối. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng năng lượng, cải thiện hơi thở và sức chịu đựng của bản thân. Ngoài ra thể dục đều đặn còn giúp mẹ mang thai tránh tăng cân quá nhanh. Theo các nghiên cứu, tập thể dục cũng giúp mẹ bầu ngủ ngon và nhanh lấy lại vóc dáng sau sinh, tuy nhiên, thời gian này chỉ nên tập luyện nhẹ nhàng, những bài tập dành cho người mang thai ở các cường độ khác nhau, tăng dần phù hợp với sức khỏe của từng người, tránh tập luyện quá sức.

BS. Vũ Thành


Ý kiến của bạn