Béo phì và mối liên quan đến các bệnh về mắt

12-08-2022 06:33 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Hậu quả của béo phì là cơ thể mất cân đối, chậm chạp, sức khỏe kém, năng suất lao động giảm...Người bị thừa cân béo phì sẽ có tỷ lệ bệnh tật cao hơn ở người bình thường, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây nguy hiểm.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng béo phì sẽ đi kèm với việc gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý không lây nhiễm trong đó có các bệnh lý về mắt. Việc gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý về mắt có thể liên quan đến những rối loạn chuyển hóa do béo phì đem lại hoặc do chính các chỉ số bất thường gây ra như chỉ số khối cơ thể BMI, số đo vòng bụng, chỉ số eo-hông.

Dưới đây là một số bệnh về mắt liên quan đến béo phì

1. Béo phì và bệnh thoái hóa hoàng điểm người già

Thoái hóa hoàng điểm (thoái hóa điểm vàng) là bệnh gây tổn thương cho điểm vàng, khu vực trung tâm và quan trọng nhất của võng mạc, dẫn đến mất dần thị lực trung tâm. Tuổi tác, tiền sử gia đình chỉ là một trong các yếu tố nguy cơ của bệnh thoái hóa điểm vàng tuổi già. Các nghiên cứu còn cho thấy béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh này.

Đã có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng những người mắc thoái hóa hoàng điểm ngày càng trẻ hóa. Những nguy cơ không liên quan đến tuổi tác khác bao gồm béo phì. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối tương quan giữa béo phì và sự phát triển của thoái hóa hoàng điểm từ giai đoạn sớm và giữa chuyển sang giai đoạn nặng. Những người có chế độ ăn nhiều chất béo có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng dạng ướt.

2. Yếu tố nguy cơ mắc đục thủy tinh thể với béo phì

Bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên gây giảm thị lực và mù lòa đứng đầu trên thế giới và tại Việt Nam. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người trên 50 tuổi. Cũng chính vì thế mà người mắc bệnh này bị giảm thị lực, khả năng nhìn kém và nguy cơ bị mù lòa rất cao.

Bệnh đục thủy tinh thể chủ yếu xảy ra ở độ tuổi trên 40 và có liên quan mật thiết với quá trình lão hóa. Ngoài ra, có nhiều yếu tố được xem là tăng nguy cơ trở thành nguyên nhân đục thủy tinh thể trong đó có béo phì. Nghiên cứu của Đại học Sydney đã công bố cho thấy rõ bệnh nhân béo phì hay bị đục vỏ và dưới bao sau. Bệnh nhân hơn 65 tuổi, điều trị tăng huyết áp cũng bị đục thể thủy tinh nhiều hơn nhóm khác.

Tương tự, nghiên cứu về mắt Malay của Singapore cho thấy tăng huyết áp có liên quan với tất cả ba loại đục thủy tinh thể, bệnh tiểu đường với đục vỏ và đục cực sau và rối loạn lipid máu và béo phì với đục vỏ. Những nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định và điều trị các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, có thể làm giảm nguy cơ hình thành đục thủy tinh thể.

Trong khi đó, đục thủy tinh thể thường không gây đau, lúc đầu sẽ không thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc thay đổi nào trong tầm nhìn cũng như thị lực. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng hơn thì xuất hiện các biểu hiện của bệnh, như: Mắt nhìn mờ, khó nhìn, nhanh mỏi mắt khi tập trung xem tivi hoặc đọc sách báo; tăng nhạy cảm với ánh sáng, lóe sáng, quáng gà, nơi râm mát nhìn rõ hơn ngoài nắng... Vì vậy, nếu người mắc các bệnh toàn thân như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...cần chú ý khám mắt định kỳ để phát hiện sớm những bất thường ở mắt.

Béo phì và mối liên quan đến các bệnh về mắt - Ảnh 2.

Việc gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý về mắt có thể liên quan đến những rối loạn chuyển hóa do béo phì

3. Béo phì và mối liên quan đến bệnh lý võng mạc

Bệnh võng mạc đứng thứ hai, sau đục thủy tinh thể trong các nhóm bệnh gây mù lòa. Trong đó thường gặp nhất là bệnh bong võng mạc, bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh võng mạc tăng huyết áp, bệnh võng mạc trẻ đẻ non, bệnh hắc võng mạc trung tâm,màng trước võng mạc…

Các nghiên cứu cho thấy béo phì có mối liên quan đến các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường type II và bệnh lý võng mạc. Các nghiên cứu cho thấy bệnh lý võng mạc là biến chứng vi mạch xảy ra do nhiều yếu tố: đường huyết cao, huyết áp cao, mỡ máu và ở những người thừa cân béo phì.

Đây là vấn đề phổ biến ở người béo phì và người già là cơ chế gây ra chứng nhẽo mi, do người béo phì không nhắm kín mắt khi ngủ mặc dù bị gối hay chăn cọ vào, lâu dần làm yếu sụn mi gây lộn mi, khô mắt, viêm kết mạc. Người ta còn đưa ra những dấu hiệu tại đáy mắt rất dễ làm ta hoang mang, đó là: xuất tiết cục bông đơn thuần, giả viêm hay phù gai thị.

4. Tình trạng béo phì rất dễ mắc phải bệnh glôcôm

Bệnh glôcôm là một bệnh thường gặp, mang tính xã hội cao, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Glôcôm đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù lòa ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thường chỉ đứng sau đục thể thủy tinh. Bệnh nguy hiểm ở chỗ không có thuốc điều trị hoặc phẫu thuật nào có thể phục hồi được những tổn thương chức năng và thực thể do glôcôm gây ra.

Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh glôcôm, ngoài các trường hợp nguy cơ dễ mắc như: tuổi hơn 40, tiền sử gia đình có người mắc, người bị tật khúc xạ thì tình trạng béo phì, tăng huyết áp cũng rất dễ mắc phải căn bệnh này.

Một nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy rõ mối liên quan giữa cân nặng, béo phì và nhãn áp. Một nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí nhãn khoa Hàn Quốc cũng cho thấy mối liên quan tương tự giữa nhãn áp và béo phì trong cộng đồng châu Á.

Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng, chúng ta cần giảm bớt lượng chất béo và đường trong khẩu phần ăn nhất là người béo phì, người mắc bệnh glôcôm. Vì chất axit béo chuyển hóa có liên hệ với việc cholesterol trong máu của bạn ở mức cao.

Chúng cũng thường được biết đến là tác nhân gây tổn thương các mạch máu trong cơ thể, trong đó có các mạch máu ở mắt dẫn đến thiếu máu cấp cho thần kinh thị, gây nặng thêm những tổn thương vốn có của bệnh Glôcôm. Những thực phẩm như các loại bánh nướng, đồ ăn chiên nhiều dầu mỡ cần được giảm đi trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Đường làm tăng insulin máu, đối với những bệnh nhân Glôcôm, lượng insulin nên được giữ ở mức ổn định bình thường, do tăng insulin có thể dẫn đến tăng nhãn áp và huyết áp, làm nặng thêm bệnh Glôcôm. Vậy chúng ta nên được giảm bớt, và nên kiểm soát chặt hơn khi cân nặng ở mức thừa cân hoặc béo phì.

Tóm lại: Béo phì thừa cân đem lại nhiều nguy cơ về sức khỏe trong đó có bệnh lý về mắt. Vì vậy chúng ta nên kiểm soát cân nặng một cách có kỷ luật bằng cách có chế độ ăn khoa học, tập thể dục đều đặn, khám sức khỏe định kỳ để được tư vấn cụ thể.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thừa cân béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân gây ra nhiều nguy hại tới sức khỏe. Nhìn chung, bệnh thừa cân béo phì thể hiện trọng lượng cơ thể cao hơn trọng lượng chuẩn ở một người khỏe mạnh.

Thừa cân béo phì có thể xảy ra với bất kỳ ai. Dấu hiệu dễ nhận thấy của béo phì là gia tăng trọng lượng và tích tụ mỡ khắp cơ thể, đặc biệt tại vùng eo, bụng, đùi... Nguyên nhân chính của thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Các chất dinh dưỡng được cung cấp quá nhiều mà sự tiêu hao lại quá ít dẫn đến tình trạng tích lũy mỡ.

Người có nguy cơ cao bị thừa cân béo phì bao gồm: người có thói quen dùng thức ăn nhanh, thức ăn giàu năng lượng, ăn nhiều chất béo, ăn ít rau, uống nhiều nước ngọt, bia rượu, người sống tĩnh tại, tuổi trung niên, phụ nữ sau sinh, trong gia đình có nhiều người bị béo phì, dân cư đô thị. Môi trường làm việc văn phòng tĩnh tại, ít vận động hoặc lười tập luyện cũng là nguyên nhân của béo phì. Những người hoạt động thể lực thường ăn thức ăn giàu năng lượng, khi họ thay đổi lối sống, hoạt động giảm đi nhưng vẫn giữ thói quen ăn nhiều cho nên bị béo phì...

Mời độc giả xem thêm video:

Người bị đau dạ dày phải kiêng ăn chuối đúng hay sai?



Bs Lê Thị Hà
Ý kiến của bạn