(Lâm Văn Minh - Trà Vinh)
Béo bụng làm cho cả đàn ông và đàn bà tăng nguy cơ bị loãng xương. Trong nhiều năm qua, người ta tin rằng phụ nữ béo phì có nguy cơ thấp phát triển loãng xương và lượng mỡ tích tụ nhiều trong cơ thể bảo vệ chống lại mất xương. Nhưng một nghiên cứu đã nhận thấy quá nhiều mỡ ở bụng có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của xương. Còn nghiên cứu khác thấy rằng vòng eo to, béo phì là yếu tố nguy cơ mất xương và giảm sự chắc chắn cho xương ở nam giới.
Theo tiến sĩ Miriam Bredella ở BV. Đa khoa Massachusetts, Boston (Mỹ), điều quan trọng ở đàn ông là phải nhận thức được sự tích tụ mỡ quá mức ở bụng không chỉ là yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch và đái tháo đường mà nó còn là nguy cơ của sự mất xương. Sự biến đổi của loãng xương thường ảnh hưởng lên cột sống và cổ xương đùi. Nếu bị loãng xương ở cột sống, các đốt xương sống có thể bị gãy và điều này đưa đến gù lưng. Không có cách gì để chống lại chứng gù lưng do biến dạng của cột sống nhưng có thể phòng ngừa bằng cách dùng đủ lượng canxi và vitamin D theo khuyến cáo. Những người mắc chứng rối loạn ăn uống như chứng biếng ăn, sẽ có khuynh hướng phát triển loãng xương.
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong cả sự khởi phát bệnh loãng xương và chữa trị, chế độ ăn uống được xem là “bệnh thầm lặng” bởi vì nó tiến triển trong nhiều năm. Ăn không đủ hoặc rối loạn hấp thu canxi và vitamin D sẽ dẫn đến mất xương. Canxi là một chất khoáng cần thiết cho tạo xương, nếu ăn lượng canxi hàng ngày không đủ sẽ dẫn đến thiếu chất xương. Tuy nhiên, chỉ bổ sung canxi sẽ không đủ mà cần phải có vitamin D vì cơ thể cần vitamin D để hấp thu canxi.