Những con số biết "nói"
Tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam đang tăng nhanh, đặc biệt tại khu vực thành thị. Dự báo, ước tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ có gần 2 triệu trẻ em bị thừa cân, béo phì nếu không có các can thiệp hiệu quả, kịp thời.
Chia sẻ tại Hội thảo cung cấp thông tin báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế cho biết, thừa cân, béo phì đã trở thành một vấn nạn trên toàn cầu, một "đại dịch" có tính chất toàn cầu. Hiện nay tốc độ béo phì đang tăng theo hình dựng đứng.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ 5–19 tuổi tại Việt Nam từ năm 2010 đến 2020
Theo Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2020 cho thấy, với nhóm trẻ từ 5-19 tuổi tỉ lệ thừa cân, béo phì tăng gấp hơn 2 lần từ 8,5% năm 2010 lên 19% vào năm 2020, trong đó khu vực thành thị tỷ lệ là 26,8% và ở nông thôn là 18,3%.
Nguyên nhân dẫn đến béo phì ở tuổi dậy thì rất đa dạng và đặc trưng bởi sự thay đổi mạnh mẽ của cơ thể ở giai đoạn này. Tuổi dậy thì là thời điểm các hormone như estrogen, testosterone, insulin và leptin có những thay đổi lớn. Chẳng hạn, ở bé gái, sự tăng cường estrogen có thể thúc đẩy tích lũy mỡ ở một số vùng cơ thể.
Ở cả hai giới, sự dao động của insulin có thể dẫn đến đề kháng insulin, khiến tế bào kém nhạy cảm với insulin, làm tăng tích lũy mỡ bụng và nguy cơ tiểu đường type 2. Đồng thời, tình trạng kháng leptin (hormone tạo cảm giác no) có thể xảy ra, khiến trẻ ăn nhiều hơn bình thường mà không cảm thấy đủ, dẫn đến tích lũy năng lượng dư thừa.
Bên cạnh yếu tố sinh học, nhu cầu năng lượng tăng cao để đáp ứng đà tăng trưởng vượt trội ở tuổi dậy thì cũng là một nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu lượng calo nạp vào vượt quá nhu cầu và không được tiêu hao hết, sẽ dẫn đến tích lũy mỡ thừa, điều này thường đi kèm với chế độ ăn uống không lành mạnh.
Đặc biệt, trước tình hình trẻ sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài tăng cao, kéo theo sự sụt giảm rõ rệt các hoạt động thể lực. Cuối cùng, áp lực thi cử, kỳ vọng từ gia đình, cùng sự thay đổi tâm sinh lý khiến trẻ dễ rơi vào stress, lo âu. Nhiều em sử dụng ăn uống như một cơ chế giải tỏa cảm xúc, hình thành rối loạn ăn uống (binge eating).

Nguyên nhân dẫn đến béo phì ở tuổi dậy thì rất đa dạng và đặc trưng.
Béo phì ở tuổi dậy thì tiềm ẩn những hậu quả không chỉ về thể chất mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và tương lai của trẻ. Về thể chất, béo phì làm tăng nguy cơ mắc sớm các bệnh mãn tính như đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ không do rượu và hội chứng chuyển hóa (rối loạn lipid, tăng axit uric...). Những biến chứng này, nếu không được phát hiện sớm, có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành và hình thành nền bệnh mãn tính khó điều trị.
Ở bé gái, béo phì có thể gây dậy thì sớm, rối loạn kinh nguyệt, nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Ở bé trai, ảnh hưởng đến hormone testosterone có thể làm giảm phát triển cơ bắp và chức năng sinh dục.
Về mặt tâm lý và xã hội, trẻ béo phì thường bị kỳ thị, trêu chọc, ảnh hưởng đến lòng tự trọng, tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi. Nhiều trẻ phát triển xu hướng tự cô lập hoặc tìm đến hành vi ăn uống vô thức, tạo thành một vòng luẩn quẩn khó thoát.
Phòng ngừa và can thiệp sớm
Nhận thức rõ nguy cơ béo phì ngày càng gia tăng ở trẻ em và vị thành niên, Bộ Y tế đã triển khai nhiều chính sách kiểm soát, trong đó lồng ghép hoạt động phòng chống thừa cân, béo phì vào Chương trình Mục tiêu quốc gia về Dinh dưỡng, theo Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021–2030 được ban hành tại Quyết định số 41/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đặt mục tiêu kiểm soát tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em thông qua các biện pháp giáo dục, truyền thông và cải thiện chế độ ăn.
Bên cạnh đó, Việt Nam tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như WHO và UNICEF trong các dự án nâng cao sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em, góp phần ứng phó hiệu quả với vấn đề béo phì trong bối cảnh hiện nay.

Cải thiện chế độ ăn là cách phòng ngừa béo phì ở trẻ.
Để ứng phó hiệu quả với tình trạng béo phì ở trẻ em, cần có sự phối hợp đồng bộ từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Nhất là việc duy trì bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và trái cây, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, kết hợp với hoạt động thể chất tối thiểu 60 phút mỗi ngày là những yếu tố quan trọng. Đồng thời, thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ qua các chỉ số cân nặng, chiều cao, BMI để phát hiện nguy cơ thừa cân, béo phì.
Cần nhấn mạnh rằng, phòng chống béo phì ở trẻ dậy thì không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế, mà còn là sự vào cuộc đồng bộ của nhà trường, gia đình và toàn xã hội.
Việc định hình một thế hệ trẻ khỏe mạnh, năng động, không bị ảnh hưởng bởi vòng xoáy của "béo phì học đường" chính là nền tảng để xây dựng nguồn nhân lực vững chắc cho tương lai. Vì vậy, mỗi phụ huynh, thầy cô và cả cộng đồng cần chung tay hành động sớm để bảo vệ một thế hệ trẻ em Việt Nam khỏe mạnh, tự tin và phát triển toàn diện.