Béo phì là thủ phạm gây hơn 200 bệnh, trong đó có bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường...
Theo Bộ Y tế, béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Bệnh béo phì có sự thay đổi theo giới, tuổi, tình trạng kinh tế, xã hội, yếu tố chủng tộc.
Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 15%, tỷ lệ ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%).
Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây như ít vận động hơn, trong chế độ ăn có nhiều muối, ăn nhiều mì ăn liền, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau và hải sản. Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tương tự với tỷ lệ thừa cân, béo phì ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.
Rất đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Tại hướng dẫn chẩn đoán và điều trị béo phì do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký ban hành cho biết, béo phì được các tổ chức y tế bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là một bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài.
Những biện pháp ngăn ngừa, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì thực hiện việc kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh.
Vì sao sinh ra thừa cân, béo phì?
Theo Bộ Y tế chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến béo phì do tăng quá mức lượng năng lượng ăn vào; ăn một lượng thức ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể; chế độ ăn giàu chất béo.
Trẻ em tiêu thụ quá nhiều chất ngọt làm tăng nguy cơ béo phì hoặc nuôi con bằng sữa mẹ ít hơn 3 tháng thường đi kèm với tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em khi đến trường.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân do di truyền, hay do nội tiết như bệnh lý ác tính, viêm nhiễm, hội chứng béo phì, suy giáp, nguyên nhân mô bệnh học, nguyên nhân do dùng thuốc...
Bộ Y tế cũng đưa ra 3 cách chẩn đoán béo phì, đó là chỉ số khối cơ thể (BMI - Body mass index); vòng bụng (béo phì dạng nam (béo phì phần trên cơ thể, béo phì kiểu bụng, béo phì hình quả táo, béo phì trung tâm) khi vòng bụng ≥ 90 cm ở nam và ≥80 cm ở nữ); phương pháp DEXA hấp thụ năng lượng kép.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để giảm cân mang lại lợi ích cho sức khỏe, có thể giảm cân 5-15% trong khoảng thời gian 6 tháng. Đối với những người có mức độ béo phì cao hơn (BMI ≥ 35 kg/m2) có thể cân nhắc giảm cân nhiều hơn (20% trở lên).
Cùng đó, cần duy trì giảm cân, phòng ngừa và điều trị các bệnh đồng mắc là hai tiêu chí chính để thành công.
Bộ Y tế cũng nêu rõ: Can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý.
Điều trị bằng thuốc khi can thiệp lối sống trong 3 tháng không giúp giảm được 5% cân nặng, người bệnh có BMI ≥ 25 kg/m2.
Phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa để đạt được hiệu quả điều trị và duy trì giảm cân đạt yêu cầu bền vững.
Trong 30 phút tập thể dục có thể tiêu thụ 260kcalo bằng cách chạy bộ, nhảy dây tiêu thụ 264kcalo
Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng khuyến cáo các phương pháp điều trị béo phì như: Về chế độ ăn cần cân đối giữa các chất sinh nhiệt, không quá nhiều glucid, tỷ lệ thay đổi tùy cá thể theo bệnh lý mắc kèm, thói quen ăn uống; Cung cấp đầy đủ các vitamin cần thiết: vitamin tan trong dầu, kali, sắt, acid amin.
"Hạn chế số bữa ăn trong ngày (3 bữa là đủ), hạn chế ăn loại glucid hấp thu nhanh và các chất béo bão hoà, muối dưới 5g/ngày; đồng thời kiêng rượu"- Bộ Y tế lưu ý.
Bên cạnh đó, có thể tập vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, miễn là phù hợp với nếp sinh hoạt của mình. Mỗi ngày trung bình 30 - 40 phút. Hoặc vận động nhiều lần trong ngày, mỗi lần tối thiểu 10 phút. Nên vận động tối thiểu 5 ngày/tuần, tốt hơn nên tập đều đặn mỗi ngày.
Việc tập thể dục áp dụng tùy theo tuổi và các biến chứng đã có ở bệnh nhân hay không, tập thể lực rất hữu ích mặc dù tiêu tốn năng lượng tương đối ít trong khi tập luyện.
Tập luyện hoạt động thể chất sức bền là một biện pháp thiết yếu trong các chương trình giảm cân cho người béo phì. Nên thực hiện các bài tập cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần, 3 đến 5 lần một tuần, bắt đầu bằng bài tập cường độ thấp và tăng dần cường độ và số lượng tập thể dục theo mức độ thể dục cá nhân.
Tập luyện đề kháng nên được áp dụng trong các chương trình giảm cân để tăng khối lượng cơ và thúc đẩy giảm mỡ cơ thể, và được đề nghị thực hiện bằng các bài tập sử dụng các nhóm cơ lớn 2-4 lần một tuần.
Trong bảng tham khảo năng lượng kcalo tiêu thụ được sau 30 phút tập thể dục, các chuyên gia cũng chỉ rõ với người nặng 50kg có thể tiêu thụ 260kcalo bằng cách chạy bộ 10km/h, trong khi đó tập tạ (ở mức độ trung bình) chỉ tiêu hao 79kcalo; cầu lông là 119kcalo, bi-a 66kcalo, bơi lội ở mức 25m/phút cũng chỉ giảm 123kcalo... Tuy nhiên nhảy dây trong 30phút được coi là tiêu thụ năng lượng nhiều nhất với 264kcalo