Các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu của hơn 148.000 bệnh nhân được điều trị COVID-19 tại 238 bệnh viện Hoa Kỳ từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020. Trong nhóm này, 28,3% bị thừa cân và 50,8% bị béo phì. Nhóm nghiên cứu của CDC do Lyudmyla Kompaniyets dẫn đầu cho biết: Thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ đối với bệnh nhân cần thở máy xâm nhập và béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhập viện và tử vong. Khi các bác sĩ lâm sàng phát triển các kế hoạch chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19, nên xem xét nguy cơ đối với các kết quả nghiêm trọng ở những bệnh nhân có chỉ số BMI cao hơn, đặc biệt là đối với những người bị béo phì nặng.
Trong số các quốc gia có dân số thừa cân trên ngưỡng 50% cũng là những quốc gia có tỷ lệ tử vong do coronavirus lớn nhất, bao gồm các quốc gia như Anh, Ý và Hoa Kỳ. Theo CDC, tại Hoa Kỳ, gần 3/4 dân số được coi là thừa cân hoặc béo phì. Cho đến nay, hơn 524.000 người Mỹ đã chết do COVID-19.
Ngược lại, ở những quốc gia có ít hơn một nửa dân số trưởng thành được phân loại là thừa cân, nguy cơ tử vong do COVID-19 là khoảng 1/10 so với những quốc gia có tỷ lệ người trưởng thành thừa cân cao hơn. Chỉ số BMI cao hơn cũng có liên quan đến tăng nguy cơ nhập viện, nhập viện chăm sóc đặc biệt hoặc nguy kịch và nhu cầu thở máy.
Theo các nhà khoa học, béo phì đã tạo ra "hiệu ứng viêm" trong cơ thể, khiến bệnh nhân gặp bất lợi khi COVID-19 tấn công. Một cuộc điều tra toàn cầu mới đây cũng cho biết, nguy cơ tử vong do nhiễm coronavirus cao hơn khoảng 10 lần ở các quốc gia- nơi phần lớn có dân số thừa cân. Báo cáo của Liên đoàn Béo phì Thế giới cho thấy 88% trường hợp tử vong do COVID-19 trong năm đầu tiên của đại dịch là ở các quốc gia- nơi hơn một nửa dân số được phân loại là thừa cân (chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25 được coi là thừa cân). Kết quả này đã khiến Liên đoàn Béo phì Thế giới (có trụ sở tại London) thúc giục các chính phủ ưu tiên những người thừa cân và béo phì xét nghiệm coronavirus và tiêm chủng.