Nghiên cứu bắt đầu từ năm 1989, phân tích dữ liệu của 85.256 phụ nữ, độ tuổi từ 25 - 44. Nghiên cứu tính đến các yếu tố như trọng lượng cơ thể, tiền sử gia đình, lối sống... Tổng thể, tính đến năm 2011, các bác sĩ đã chẩn đoán 114 trường hợp ung thư đại trực tràng ở độ tuổi dưới 50 tuổi.
So với những phụ nữ có chỉ số BMI thấp nhất (18,5 - 22,9kg/mét vuông), những phụ nữ có chỉ số BMI cao nhất (trên 30) có nguy cơ ung thư đại trực tràng sớm gấp đôi. Theo Trung tâm Kiểm soát & Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), BMI bình thường là 18,5-24,9 kg/m2, từ 25 - 29,9 được coi là thừa cân và BMI trên 30 là béo phì. Bệnh ung thư đại trực tràng sớm là căn bệnh tương đối hiếm, tỉ lệ mắc bệnh chỉ có 8 ca/100.000 người, 22% ung thư đại trực tràng sớm có thể ngăn ngừa được ở nhóm có chỉ số BMI bình thường từ 18,5 - 24,9. Cũng trong nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện thấy nguy cơ ung thư đại trực tràng khởi phát sớm liên quan đến tăng BMI xuất hiện cả ở những phụ nữ không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Để giảm bệnh, Hiệp hội Ung thư Mỹ gần đây đã đưa ra các hướng dẫn mới về sàng lọc, bắt đầu ở tuổi 45 chứ không muộn ở tuổi 50 như trước đây nữa. Các nhà nghiên cứu còn cho biết thêm, phát hiện trên là rất quan trọng, tuy không khẳng định béo phì, thừa cân là nguyên nhân làm tăng bệnh, và cần nhiều nghiên cứu nữa, kể cả ở nam giới và cho các quần thể chủng tộc khác nhưng nó là cảnh báo, giúp nhóm người thừa cân, béo phì có kế hoạch khám, phòng ngừa, chữa trị thích hợp bởi ung thư đại trực tràng khởi phát sớm là căn bệnh hiếm gặp, phần lớn được chẩn đoán là ở tuổi già, nhưng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong vì căn bệnh này hiện đang có nguy cơ trẻ hóa.