Béo bụng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

04-07-2019 09:45 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho biết, nguy cơ tim mạch không liên quan đến cân nặng, mà liên quan tới dự trữ mỡ trong cơ thể (hình dạng cơ thể).

Các nghiên cứu hiện tại cho thấy chỉ số khối cơ thể (BMI) của một người có liên quan đến nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch. Do đó, chỉ số BMI càng cao, nguy cơ bị đột quỵ, bệnh tim và các biến cố liên quan đến vấn đề này càng cao.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới, từ Đại học Y khoa Albert Einstein, New York, (Mỹ) đã chỉ ra một yếu tố tiềm năng khác, đó là, nơi chất béo được lưu trữ trong cơ thể có thể làm tăng nguy cơ này.

Các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu từ 161.808 phụ nữ ở độ tuổi 50-79 để tìm hiểu xem liệu BMI hay việc phân bố chất béo có liên quan đến nguy cơ tim mạch hay không. Không ai trong số này bị bệnh tim mạch lúc ban đầu. Tuy nhiên, trong suốt thời gian nghiên cứu, đã có 291 trường hợp mắc bệnh tim mạch mới.

Theo đó, những phụ nữ có tỷ lệ mỡ cao nhất được lưu trữ xung quanh bụng (vòng 2) và thân và tỷ lệ mỡ thấp nhất quanh chân (thân hình "quả táo") có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nhiều so với những phụ nữ có thân hình “quả lê” (có tỷ lệ mỡ thấp ở mức trung bình và tỷ lệ mỡ quanh chân cao hơn). Những phụ nữ có nhiều mỡ ở chân nhất có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 40% so với những người có ít mỡ nhất ở quanh chân. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết thêm, trọng lượng cơ thể dường như không ảnh hưởng đến nguy cơ này.

Theo các nhà khoa học, phụ nữ sau mãn kinh, mặc dù có cân nặng bình thường, nhưng lại có nguy cơ mắc bệnh tim mạch khác nhau do sự phân bố chất béo khác nhau ở bụng hoặc chân của họ. Ngoài việc kiểm soát trọng lượng cơ thể, cần chú ý đến việc phân bố mỡ này. Các nhà khoa học khuyến cáo, chỉ riêng việc giảm lượng mỡ cơ thể ở vòng 2 (giảm mỡ bụng) có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.


Bảo Ngọc
Ý kiến của bạn