Các kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of the American Medical Association. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tại Đại học Harvard và Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Boston tập trung vào 48 đột biến gen liên quan với tỉ lệ eo-hông. Từ đó, họ phát triển “điểm số nguy cơ” di truyền.
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng điểm số này với hơn 400.000 người trưởng thành tham gia vào một vài nghiên cứu sức khỏe trước đó. Để giúp tìm hiểu vai trò của béo bụng, điểm số nguy cơ di truyền được điều chỉnh theo chỉ số khối cơ thể. Cuối cùng nghiên cứu phát hiện ra rằng, kích thước vòng eo có vai trò.
Dựa trên điểm số di truyền, tăng mỗi độ lệnh chuẩn về tỉ lệ eo-hông làm tăng 46% nguy cơ bệnh tim. Nguy cơ tiểu đường týp 2 cũng tăng 77%. Những người có bẩm tố di truyền vòng eo to có xu hướng có đường huyết, huyết áp và nồng độ triglyceride cao hơn – tất cả đều là những yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim.
Điều này cung cấp “bằng chứng khá rõ ràng” cho thấy thừa mỡ bụng trực tiếp góp phần gây tiểu đường và bệnh tim, tác giả chính của nghiên cứu Connor Emdin thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts cho biết. Giả thuyết cho rằng những người mang các đột biết gen này ban đầu sẽ bị béo bụng và điều này làm tăng nguy cơ cả bệnh tim và tiểu đường. Mặc dù nghiên cứu không chứng minh mối quan hệ nhân quả song các kết quả nghiên cứu gợi ý rằng, phòng ngừa hoặc giảm tình trạng thừa cân ở vòng bụng có thể giúp phòng ngừa hai bệnh trên.
Mặc dù yếu tố di truyền có thể khiến một người dễ béo bụng song điều này vẫn có thể thay đổi. Chế độ ăn, tập thể dục và các thói quen sống khác có thể tạo ra sự khác biệt.