Bệnh gout và những biến chứng nguy hiểm mà nhiều người chưa biết

20-02-2023 14:20 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Gout là một dạng phức tạp của bệnh viêm khớp đặc trưng bởi sự bất ngờ đau ở các khớp nghiêm trọng. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gout gần như là cấp tính, xảy ra đột ngột, thường vào ban đêm và không có cảnh báo.

Nhiều người chỉ biết rằng bệnh gout không quá nguy hiểm đến mức gây tử vong nhưng điều ít người biết là bệnh gout nếu không được điều trị đúng sẽ tiến triển âm thầm dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

1. Dưới đây là những biến chứng có thể gặp ở người mắc bệnh gout

- Hạt tophi:

Hạt Tophi là biến chứng hay gặp của bệnh nhân bị bệnh gout. Hạt tophi thường được biểu hiện trông giống những khối u nhỏ, phồng phát triển trên các khớp ngay dưới da. Mặc dù phát triển bên dưới lớp da nhưng các hạt tophi vẫn có thể dễ nhận thấy được.

Hạt tophi có lúc  ở tình trạng viêm cấp làm da nóng, đỏ. Theo thời gian, có thể to dần và vỡ chảy ra chất nhão và trắng như phấn, hoặc rỉ dịch vàng. Vết lở loét da do hạt tophi vỡ ất lâu liền, gây nhiễm trùng mạn tính. Nguyên nhân nhiễm trùng do hạt tophi ở những vị trí tỳ đè dễ cọ xát như bàn chân, bàn tay, khuỷu. Hoặc bệnh nhân tự chọc vào hạt tophi của mình. Dẫn đến loét và dò, vỡ và chảy dịch. Đây là con đường cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng hạt tô phi.

Bệnh gout có những biến chứng nguy hiểm mà nhiều người chưa biết - Ảnh 1.

Tổn thương ở người bệnh gout.

- Biến chứng thận:

Bệnh gout không chỉ gây tổn thương ở các khớp xương mà còn tác động đến nhiều cơ quan khác của cơ thể. Một trong những cơ quan chịu biến chứng nặng nề của gout chính là thận. Theo thống kê, khoảng 20% bệnh nhân gout có tổn thương thận.

Bệnh gout gây tổn thương thận chủ yếu qua 2 cơ chế. Cơ chế trực tiếp gây bệnh là do lắng đọng tinh thể muối urat trực tiếp gây tổn thương đến cầu thận, ống thận gây tình trạng viêm, lâu ngày dẫn đến tình trạng giảm chức năng thận. Cơ chế gián tiếp là do quá trình hình thành sỏi thận từ tinh thể muối urat gây tình trạng tắc nghẽn, viêm đường tiết niệu, ứ nước, gây giảm chức năng thận.

Thực tế cho thấy, bệnh thận mạn tính là biến chứng thường gặp và nguy hiểm trên những người bị gout mạn tính. Bệnh thận mạn tính làm suy giảm chức năng lọc cầu thận dẫn tới giảm độ lọc của acid uric. Nồng độ acid uric trong máu tăng cao tích tụ lại làm trầm trọng thêm bệnh lý thận. Tạo nên một vòng xoắn bệnh lý nặng nề liên quan chặt chẽ với nhau.

Mức độ suy thận càng nặng, như trong giai đoạn cuối có thể đòi hỏi phải chạy thận nhân tạo lọc máu. Do đó làm tăng nguy cơ các biến chứng nguy hiểm khác cho cơ thể, trong đó có tử vong.

- Sỏi thận

Nếu bệnh gout không được điều trị đúng cách, những tinh thể urat lắng đọng rải rác ở tổ chức kẽ thận, bể thận, niệu quản. Lâu ngày hình thành sỏi uric, sỏi có thể nằm ở vị trí như trong đài bể thận. Hoặc gặp sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo.

Sỏi uric gây tắc nghẽn đài bể thận, ứ nước ứ mủ ở thận. Ngoài ra có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu máu do sự cọ sát của sỏi. Đôi khi bệnh nhân gặp cơn đau quặn thận dữ dội do sỏi di chuyển gây ra.

Bệnh gout có những biến chứng nguy hiểm mà nhiều người chưa biết - Ảnh 2.

2. Biến chứng liên quan đến điều trị bệnh gout

Các biến chứng do dùng thuốc chống viêm giảm đau: Như viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, xuất huyết tiêu hóa… Các biến chứng do dùng colchicine có thể gây ra tiêu chảy cấp, đặc biệt khi dùng quá liều. Các biến chứng do bị dị ứng thuốc (như allopurinol, kháng sinh...): bệnh nhân gout thường có cơ địa rất dễ bị dị ứng, thậm chí có bệnh nhân dị ứng tất cả các thuốc điều trị gout.

Đặc biệt, các biến chứng do dùng corticoid hay gặp do thuốc giảm đau nhanh chóng nên hay bị lạm dụng. Người bệnh thường uống thuốc theo mách bảo và thấy giảm đau tốt nghĩ là thuốc tốt, lần sau bị lại uống. Thuốc nhóm này làm giảm thải acid uric qua thận nên làm acid bị tích tự lại thành các hạt tophi, bệnh trở nên mạn tính. Ngoài ra, corticoid làm tăng nguy cơ loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, đục thủy tinh thể, xuất huyết tiêu hóa, suy thượng thận.

Những biến chứng của bệnh gout gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng lao động cũng như sinh hoạt của người bệnh. Thậm chí có những biến chứng đe dọa tới tính mạng bệnh nhân. Biết được các biến chứng của bệnh gout gây nên, người bệnh có thể chủ động phòng ngừa và hạn chế biến chứng xảy ra.

3. Lời khuyên thầy thuốc

Để hạn chế biến chứng của bệnh gout, cách tốt nhất là người bệnh cần phải được điều trị kịp thời bằng chế độ ăn uống và dùng thuốc để giảm tổng hợp hoặc tăng đào thải acid uric.

Để tránh tái diễn nặng, người bệnh phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của thầy thuốc về chế độ điều trị, bao gồm thuốc men và chế độ ăn uống, nghỉ ngơi. Một số trường hợp được điều trị bằng phẫu thuật như cắt bỏ khối u tophi vì khối u quá lớn gây mất thẩm mỹ hoặc ảnh hưởng khả năng đi lại.

Để phòng bệnh, cần có chế độ ăn uống hợp lý như: Ăn giảm đạm (thịt ăn không quá 150g/ngày). Hạn chế ăn các thức ăn có chứa nhiều purin. Kiêng rượu bia và các chất kích thích như ớt, cà phê, hạt tiêu. Uống nhiều nước (nước lọc, nước hoa quả, sữa), … để tăng cường thải tiết acid uric qua nước tiểu. Ăn cháo, súp… ăn nhiều rau xanh, hoa quả như xà lách, cà rốt, bắp cải, dưa chuột, …Ngoài ra, sinh hoạt điều độ, làm việc nhẹ nhàng; tránh lạnh, tránh mệt mỏi cả tinh thần và thể chất. Cần tập thể dục phù hợp và duy trì liên tục.

Bệnh gout thường có 2 giai đoạn: Gout cấp tính và mạn tính.

Gout cấp tính thường xuất hiện viêm khớp đột ngột (80% viêm khớp ngón một bàn chân và một số vị trí khớp khác: Khớp bàn cổ chân, khớp gối, khớp khuỷu tay…), thường xảy ra vào ban đêm với các triệu chứng: Sưng, nóng, đỏ, đau, khớp bị tổn thương. Bệnh diễn biến trong vài ngày, có thể tự hạn chế trong 1 tuần. Tuy nhiên, bệnh dễ tái phát nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nếu bị cơn gout cấp tính tái phát nhiều lần, bệnh sẽ chuyển sang mạn tính với biểu hiện viêm nhiều khớp, có thể xuất hiện các hạt tophi (Sự lắng đọng của tinh thể Urat ở vùng phần mềm cạnh khớp, vành tai…) kèm theo bệnh nhân có thể có các biểu hiện sỏi thận, suy thận…

Mời độc giả xem thêm video:

Trẻ Bị Đau Đầu: Dấu Hiệu Cảnh Báo Nguy Hiểm Phụ Huynh Cần Biết | SKĐS


BS Nguyễn Ngọc
Ý kiến của bạn