Bác Hoa bị bệnh viêm khớp đã nhiều năm nay và cũng đã từng đi bệnh viện khám, được bác sĩ cho dùng thuốc điều trị. Những lần ấy bệnh còn nhẹ, thời gian dùng thuốc ngắn nên bác Hoa tuân thủ lắm.Thế nhưng sang đến năm nay, đầu gối lại đau không đi được, cứ lùng nhùng như có nước. Đi khám bác sĩ cho biết: bác Hoa bị viêm khớp dạng thấp và viêm bao màng hoạt dịch. Bác sĩ hút dịch ở đầu gối ra và tiêm một mũi corticoid vào khớp và kê cho bác đơn thuốc về nhà uống (gồm ba loại: thuốc corticoid, giảm đau và chống thấp) trong hai tháng rồi khám lại.
Về nhà, bác Hoa cũng rất tuân thủ, được 3 tuần bệnh tiến triển rất tốt, chân đi lại được, chỉ còn hơi đau một chút. Vì vậy, uống thuốc đúng một tháng thì bác Hoa dừng uống tất cả các loại thuốc.
Khoảng một tháng sau khi bỏ thuốc bác Hoa lại thấy có hiện tượng đau. Bác lại lên bệnh viện, gặp bác sĩ hôm trước, mặt nhăn nhó:
- Bác sĩ khám cho tôi, chứ chân của tôi có vẻ như lại đau hơn trước.
- Thế bác đã uống hết thuốc chưa?
- Dạ, thú thật là uống thuốc được 1 tháng tôi thấy ổn nên thôi không uống nữa.
Nghe bác Hoa nói vậy, bác sĩ nhẹ nhàng giải thích:
- Rất nhiều người bệnh không hiểu được sự nguy hiểm của việc bỏ thuốc điều trị, đến khi bệnh tái phát lại đến khám, việc chữa trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Đối với các bệnh mạn tính về xương khớp, điều trị bằng thuốc phải kiên trì theo chỉ định của bác sĩ, bao gồm điều trị tấn công, điều trị duy trì và điều trị củng cố. Trong đó điều trị tấn công thường trong giai đoạn đầu nhằm cắt nhanh các triệu chứng như đau, viêm, sưng. Điều trị duy trì nhằm ổn định bệnh, giúp bệnh thuyên giảm hoặc không tiến triển. Còn điều trị củng cố nhằm duy trì, hồi phục chức năng của các cơ quan xương khớp bị tổn thương. Đằng này bác dùng còn chưa hết một đợt thuốc. Nếu gặp tác dụng phụ do thuốc gây nên cần thông báo lại cho thầy thuốc biết để có phương pháp xử lý thích hợp chứ không được tự ý bỏ thuốc như vậy.
Thanh Phúc