Bệnh Whitmore không đáng sợ như bạn tưởng!

15-08-2015 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Trong mấy ngày qua, dư luận ồn ào về căn bệnh có tên Whitmore với cụm từ kèm theo như “nguy hiểm”, “nhiều năm mới quay trở lại”...

Trong mấy ngày qua, dư luận ồn ào về căn bệnh có tên Whitmore với cụm từ kèm theo như “nguy hiểm”, “nhiều năm mới quay trở lại”... Để bạn đọc hiểu một cách chính xác về căn bệnh này, phóng viên (PV) báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Bùi Vũ Huy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi đã điều trị cho em bé 11 tháng tuổi được xác nhận là mắc phải căn bệnh Whitmore.

PGS.TS. Bùi Văn Huy. Ảnh: TM

PV: Thưa PGS.TS. Bùi Vũ Huy, tình trạng sức khỏe của em bé mắc bệnh Whitmore hiện nay ra sao? Liệu bệnh có dễ lây lan trong cộng đồng? Ai là những đối tượng dễ mắc bệnh này nhất?

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Sau gần một tháng điều trị, tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sức khỏe của em bé đã ổn định và đủ điều kiện để xuất viện. Chỉ tính trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm tại BV Bệnh Nhiệt đới TW có khoảng 10 ca được xác định là mắc bệnh Whitmore, trong đó trẻ em chiếm 2-3 ca. Bệnh lây qua các vết xây xước khi có tiếp xúc với bùn đất hoặc nước bị ô nhiễm, đôi khi lây nhiễm qua thực phẩm hoặc qua không khí. Có thể nói đây là căn bệnh ít gặp và cũng không dễ lây. Người khỏe mạnh hiếm khi mắc bệnh này. Những người mắc bệnh thường là người già yếu, người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, viêm gan mạn, người nhiễm HIV... Nói cách khác, đây là một căn bệnh nhiễm khuẩn cơ hội, tức là khi cơ thể suy yếu, miễn dịch kém mới tạo điều kiện cho bệnh phát tác. Bệnh thường gặp ở vùng Đông Nam Á, Ấn Độ. Người lớn mắc nhiều hơn trẻ em. Bệnh này chúng tôi vẫn giảng dạy ở trường y, đây chỉ là bệnh ít gặp thôi chứ không phải bệnh lạ, đặc biệt gì cả.

PV: Trong trường hợp của em bé 11 tháng tuổi nói trên, lúc ban đầu tưởng là bệnh quai bị nhưng hóa ra là bị bệnh Whitmore. Vậy ông có thể cho bạn đọc biết những dấu hiệu để xác định bệnh? Bệnh có những biến chứng nào nguy hiểm cần được khuyến cáo?

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Bệnh nhiễm khuẩn Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Ở trẻ em thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc và biểu hiện sưng tuyến mang tai thường gặp hơn các triệu chứng khác. Những trường hợp đã được phát hiện tại BV Bệnh Nhiệt đới TW đều có bằng chứng nhiễm khuẩn huyết. Ở người lớn bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, sau đó tới viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết... Nếu nói đến độc tính thì vi khuẩn gây nên bệnh Whitmore có độc tính cao hơn một số vi khuẩn khác. Bệnh lại thường gặp ở người có miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính nên diễn biến bệnh thường phức tạp, nặng nề hơn, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh phù hợp... Trong những bệnh cảnh của bệnh này có nhiễm khuẩn huyết, cũng như nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác, có tình trạng bệnh nặng hơn, tiên lượng xấu và nguy cơ tử vong cao. Có thể nói ngắn gọn thế này, bệnh Whitmore nếu người khỏe mạnh không may mắc phải, được phát hiện điều trị hợp lý sẽ điều trị khỏi, không để lại di chứng. Nhưng nếu bệnh rơi vào những người già, yếu, miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính thì sẽ có nhiều nguy cơ hơn, diễn tiến phức tạp hơn, khó chữa hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng, để xác định căn bệnh này phụ thuộc vào trình độ của nhân viên vi sinh ở labo và ở tuyến y tế cơ sở khó mà phát hiện ra bệnh này. Vậy điều đó có ảnh hưởng gì đến việc điều trị hay không, thưa ông?

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Như tôi đã nói đây là loại bệnh ít gặp, mà đã ít gặp thì việc phát hiện, định danh vi khuẩn cũng khó khăn hơn. Nhưng điều này cũng không ảnh hưởng nhiều tới việc điều trị. Chỉ cần bác sĩ xác định đúng đây là bệnh nhiễm khuẩn thì sẽ có chỉ định dùng kháng sinh. Theo nguyên tắc, sau khi dùng kháng sinh từ 48 đến 72 giờ mà không có dấu hiệu thuyên giảm, sẽ đổi kháng sinh khác, đồng thời bệnh nhân có các triệu chứng và yếu tố nguy cơ như đã nói ở trên, cần nghĩ tới bệnh Whitmore và chỉ định điều trị bằng ceftazidim. Đây là kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 rất phổ biến ở các bệnh viện, điều trị hiệu quả trong bệnh Whitmore. Ngoài ra, việc đào tạo và nâng cao chất lượng các labo ở tuyến cơ sở là cần thiết vì điều đó sẽ hỗ trợ tốt hơn cho lâm sàng.

PV: Vậy ông có lời khuyên nào cho cộng đồng về việc phòng ngừa căn bệnh này?

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Đây là căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc, ít gặp ở người có sức khỏe bình thường. Bệnh không dễ dàng lây lan, không trực tiếp lây từ người qua người. Vì thế người dân không nên lo lắng. Để phòng bệnh, nên giữ gìn vệ sinh thân thể, chăm sóc sức khỏe. Nếu cơ thể bị trầy xước, cần xử lý cẩn thận vết thương. Ở những người già yếu, có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch cần tránh tiếp xúc với môi trường mất vệ sinh, hạn chế tiếp xúc bùn đất, nguồn nước bị ô nhiễm. Khi cơ thể có dấu hiệu không khỏe nên đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Việc đến khám sớm là cần thiết trong tất cả các trường hợp mắc bệnh, chứ không riêng gì bệnh Whitmore. Đến bác sĩ khám sớm để được tư vấn sớm, phù hợp, không để trễ mất thời điểm chữa bệnh hiệu quả nhất, nên tránh tình trạng để bệnh trở nên nặng hơn, khó chữa hơn. Và một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, bệnh Whitmore không đáng sợ như bạn tưởng!

PV: Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ!

Lê Minh Thúy (thực hiện)

 

 


Ý kiến của bạn