Hà Nội

Bệnh Whitmore khó chẩn đoán, dễ tái phát

24-09-2019 11:51 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Từ đầu năm đến nay, cả nước có tới 24 người mắc bệnh Whitmore, trong đó có 4 người tử vong.

Trong tuần qua, lại phát hiện thêm 1 người đàn ông 61 tuổi ở Hà Tĩnh và 3 bệnh nhi ở Nghệ An dương tính với Withmore. Thông tin trên khiến nhiều người không khỏi lo lắng, khi mà sau thời gian dài bệnh không xuất hiện, trong khi đó, không ít người chưa biết cách phòng tránh và dễ chẩn đoán nhầm.

Whitmore lây nhiễm như thế nào?

Bệnh Whitmore  là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei (trước đây có tên gọi là Pseudomonas pseudomallei). Vi khuẩn được tìm thấy trong nước bẩn, đất, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Vi khuẩn này còn được quan tâm đến như là một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học. Whitmore  có nhiều điểm tương đồng với một bệnh ở loài ngựa, lây qua người từ gia súc bị nhiễm bệnh.

Con người có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da. Bệnh rất khó lây từ người sang người.

Tại Việt Nam, khoảng 70% ca Whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9 - 11. Số bệnh nhân tăng tỷ lệ thuận với lượng mưa. Đa số bệnh nhân là nông dân, tuổi từ 50-70, có bệnh nền đái tháo đường hoặc bệnh mạn tính liên quan đến phổi và thận, có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi khi nhập viện.

Người lao động tiếp xúc với bùn đất cần có các dụng cụ bảo hộ lao động.

Người lao động tiếp xúc với bùn đất cần có các dụng cụ bảo hộ lao động.

Dễ nhầm lẫn

Biểu hiện lâm sàng của bệnh Whitmore rất đa dạng. Mỗi thể bệnh có các triệu chứng lâm sàng khác nhau và do vậy có thể bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh lao và các bệnh lý viêm phổi thông thường. Bệnh nhân có thể nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ - xương - khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa, truyền nhiễm... do đó có thể khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm Whitmore với các bệnh khác như: viêm phổi, lao phổi, áp-xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu...

Thời kỳ ủ bệnh của Whitmore đã được đánh giá ở một nghiên cứu duy nhất đã được công bố, theo đó thời gian ủ bệnh từ 1 - 21 ngày (trung bình 9 ngày). Thời kỳ ủ bệnh ngắn nhất được ghi nhận là 1 ngày, trái lại thời kỳ ủ bệnh dài nhất đã ghi nhận được là 62 năm.

Các thể bệnh thường gặp

Các thể bệnh thường gặp của Whitmore là: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng tản mạn, nhiễm trung khu trú (áp-xe cơ, áp-xe phần mềm, viêm hạch, viêm xương,...).

Thể tại chỗ hay cấp tính khu trú: Thể bệnh này nói chung là khu trú như một vết loét, nốt hoặc áp-xe da niêm do quá trình mầm bệnh xuyên qua da vào các vết thương sẵn có. Thể cấp tính của bệnh Whitmore có thể biểu hiện sốt và đau cơ toàn thân. Bệnh có thể biểu hiện khu trú hoặc có thể diễn tiến nhanh chóng gây nhiễm trùng huyết. Vi khuẩn đi vào da thông qua một vết rách hoặc vết trầy xước da và nhiễm trùng tại chỗ với các vết loét tiến triển. Thời gian ủ bệnh thường 1-5 ngày. Các tuyến hạch lympho sưng, vi khuẩn đi vào vật chủ thông qua niêm mạc có thể gây các tăng tiết nhầy tại các vùng bị ảnh hưởng.

Thể phổi: Khi vi khuẩn đi vào bằng đường khí dung hoặc vào đường hô hấp thông qua hít phải lan rộng và nhiễm trùng phổi lan rộng. Viêm phổi, áp-xe phổi và tràn dịch màng phổi có thể xảy ra. Thời gian ủ bệnh khoảng 10-14 ngày. Với bệnh Whitmore do hít phải, áp-xe da có thể phát triển và mất vài tháng mới xuất hiện. Khởi bệnh của thể phổi thường điển hình đi kèm bởi sốt cao, nhức đầu, chán ăn và đau mỏi cơ toàn thân. Đau ngực là hay gặp, nhưng có ho hoặc không ho có đờm là một dấu chỉ điểm có giá trị (hallmark) của thể này. Tổn thương khoang cũng có thể nhìn thấy trên phim chụp Xquang phổi tương tự như hình ảnh trong lao phổi.

Thể nhiễm trùng huyết: Với bệnh Whitmore nhiễm khuẩn huyết được quan sát trên các bệnh nhân nhiễm trùng có bệnh mạn tính (ví dụ bệnh nhân HIV, đái tháo đường). Chúng có thể gây suy hô hấp, nhức đầu, sốt, tiêu chảy, tổn thương cơ, chứa đầy mủ và áp-xe lan tràn khắp các cơ quan. Nhiễm trùng huyết có thể rất nặng, với 90% tử vong xảy ra trong vòng 24-48 giờ. Các bệnh nhân có các yếu tố nền sẵn có như đái tháo đường và suy thận thường có xu hướng diễn tiến đến hình thái lâm sàng này và thường dẫn đến hậu quả sốc nhiễm trùng. Các triệu chứng của nhiễm trùng huyết có thể là sốt, nhức đầu, suy hô hấp, đau bụng, đau khớp, mất định hướng,... Khởi đầu các triệu chứng thường rất nhanh và khối áp-xe có thể nhìn thấy khắp cơ thể, đáng chú ý là gan, lách và tuyến tiền liệt.

Thể nhiễm trùng lan tỏa: Bệnh Whitmore lan tỏa là một bệnh nhiễm trùng biểu hiện với các ổ áp-xe hình thành tại nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Có thể hoặc không liên quan đến nhiễm trùng. Các cơ quan liên quan thường điển hình là gan, phổi, lách và tuyến tiền liệt; liên quan đến các khớp, xương, phủ tạng, hệ lympho, da và não cũng có thể xảy ra.

Thể mạn tính: Thể mạn tính liên quan đến đa ổ áp-xe và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan gan, lách, da, cơ. Thể này cũng được biết là bệnh lở ngứa ở ngựa và có thể tái hoạt nhiều năm sau khi nhiễm trùng tiên phát.

Về điều trị

Khi mắc bệnh, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán, việc điều trị Whitmore cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh, tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 - 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần.

Để giải quyết bệnh Whitmore cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa lâm sàng, y tế dự phòng, vi sinh môi trường. Ngay với nhân viên y tế cũng cần được cập nhật về chẩn đoán điều trị; các bệnh viện cần cải tiến kỹ thuật xét nghiệm, nuôi cấy vi khuẩn tại các phòng xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh.

Bệnh Whitmore chưa có vắc-xin phòng bệnh. Vi khuẩn gây bệnh có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn, hoặc mũi hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; phòng hộ trong lao động; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất bẩn.


BS. Nguyễn Văn Bình
Ý kiến của bạn