Bệnh lậu: Do vi khuẩn, Neisseria gonorrhea, song cầu trong tế bào. Chẩn đoán xác định bằng nuôi cấy để phát hiện nhiễm khuẩn niệu đạo và cổ tử cung. Phụ nữ thường không có triệu chứng gì nhưng cũng có thể có tiết dịch niệu đạo, đái khó, chảy máu giữa kỳ kinh, ra kinh nhiều, viêm cổ tử cung có tiết dịch mủ, viêm tiểu khung. Biến chứng: chửa ngoài tử cung, đau tiểu khung mạn tính, co hẹp niệu đạo, nhiễm khuẩn tuyến Bartholin.
Nhiễm Chlamydia: Do vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Loại nhiễm khuẩn này thường không thể hiện triệu chứng gì nhưng lại có thể bộc lộ triệu chứng nhiều năm sau này. 60-70% phụ nữ không có triệu chứng nhưng có thể có đái khó; đau tiểu khung; khi khám mỏ vịt thấy có tiết dịch niêm dịch mủ từ trong ống cổ tử cung ra (40%), cổ tử cung đỏ, to và dễ chảy máu.
Lậu và Chlamydia thường xảy ra đồng thời và không thể phân biệt về lâm sàng. Biến chứng có thể gặp viêm tiểu khung, chửa ngoài tử cung, đau tiểu khung mạn tính.
Bệnh sùi mào gà (hay còn gọi là mụn cóc sinh dục): Bệnh do Papilloma virus (HPV) gây ra. Có hơn 20 chủng HPV gây bệnh, một số thể hiện là những mụn cóc, hột cơm, u nhú hay tổn thương phẳng còn nhiều trường hợp lây nhiễm khác không gây ra tổn thương nhìn thấy được. Một số tổn thương do HPL gây ra ở cổ tử cung có thể có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung. Có khi chỉ phát hiện ra khi thấy phiến đồ tế bào âm đạo (Pap smear) bất thường. Nóng và ẩm làm các u nhú phát triển nhanh, có khi to và giống như hình cái súp lơ và mọc lan tràn nhưng cũng có thể là những nốt sẩn tròn, vẩy dày sừng hóa... Những tổn thường này thường không nhận thấy nhưng đôi khi ngứa, rát và chảy máu. Biến chứng gây ung thư cổ tử cung, ung thư sinh dục. Ở những phụ nữ có HPV dương tính, tỷ lệ bị ung thư cổ tử cung cao hơn dân số thường đến 5 lần.
Điều trị: bôi trichloracetic acid 80-90%. Điện đông hay đốt điện. Podophyllin 10% -25% (podophyllin là thuốc có thể hấp thụ qua da nên độc) nên không dùng cho phụ nữ có thai.
Hậu quả của các bệnh nói trên có thể làm cho VTN nữ bị tắc vòi trứng và dẫn đến hiếm muộn. Vì vậy, VTN nữ cũng cần được tầm soát bệnh (khám định kỳ) như phụ nữ trưởng thành.
BS. Xuân Anh