Bệnh vùng hàm mặt - Khởi nguồn từ những chiếc răng đau

15-12-2014 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Dân gian có câu “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng” nói lên nỗi khổ của người bệnh khi mắc phải các bệnh lý vùng răng hàm mặt.

Dân gian có câu “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng” nói lên nỗi khổ của người bệnh khi mắc phải các bệnh lý vùng răng hàm mặt. Vệ sinh răng miệng không đảm bảo, không điều trị hoặc không tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ khi mắc các bệnh ở hàm mặt là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những bệnh lý viêm nhiễm vùng hàm mặt.

Hầu hết bệnh nhân đến khám đều trong tình trạng “không thể chịu đựng được nữa”. Mặc dù không phải là bệnh cấp cứu nguy kịch đến tính mạng nhưng hậu quả của các bệnh lý này lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Răng mọc lệch sẽ gây những biến chứng viêm nhiễm vùng mặt.

Khởi nguồn từ những chiếc răng đau

Bệnh nhân bị viêm nhiễm vùng hàm mặt thường có răng đau hoặc khối sưng vùng miệng họng nhiều lần. Người bệnh sốt, nổi hạch, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi. Mặt mất cân đối, đôi khi khó há miệng hoặc có đường rò mủ. Độ há miệng thường ít nhiều cũng hạn chế, các nhiễm khuẩn do răng hàm lớn hay răng khôn thường có hạn chế há miệng. Niêm mạc miệng: màu sắc thường thay đổi sưng nề, mật độ cứng… Khám răng lợi có thể phát hiện răng sâu, vỡ, răng khôn mọc lệch... Cận lâm sàng: chụp phim tại chỗ hoặc toàn cảnh có thể đánh giá nguyên nhân, có thể cho cấy mủ làm kháng sinh đồ. Một số áp-xe thường gặp là áp-xe má, áp-xe dưới hàm, áp xe màng xương.

Con đường gây viêm nhiễm vùng hàm mặt

Có thể bắt đầu từ một răng sâu không được hàn (trám) gây viêm tủy răng và biến chứng viêm quanh chóp răng. U hạt hoặc nang chân răng nhiễm khuẩn lan sang tổ chức phần mềm. Răng sang chấn (do tai nạn hoặc nghề nghiệp hoặc do khớp cắn mòn không đều dẫn tới hoại tử tủy răng gây viêm mô tế bào. Tai nạn do mọc răng: răng sữa, răng vĩnh viễn và đặc biệt là răng khôn (răng số 8) gây viêm nhiễm tại vùng răng mọc và có thể lan rộng. Nhổ răng gây sang chấn ổ răng làm viêm ổ răng sau nhổ.

Viêm xương hàm do nhiễm khuẩn chân răng.

Do điều trị: khi điều trị tủy răng các tổ chức nhiễm khuẩn, hóa chất hoặc chất hàn qua lỗ chóp răng gây viêm quanh chóp răng; Làm răng giả tháo lắp không đúng kỹ thuật làm tổn thương sống hàm, sang chấn phần mềm gây viêm loét hoặc làm mủ tại chỗ. Thức ăn giắt lâu ngày gây viêm nhiễm vùng quanh răng. Biến chứng sau các phẫu thuật hàm mặt: các phẫu thuật nha chu, cắm ghép implant, kết hợp xương, mở xương...

Nguyên nhân khác là bội nhiễm từ các u - nang xương hàm, viêm xương tủy hàm phá vỡ vào phần mềm. Các chấn thương hàm mặt: gãy xương hàm, gãy hở; các vết thương phần mềm mặt, giập nát, dị vật; vết thương do động vật cắn; nhiễm khuẩn các tuyến nước bọt; nhiễm khuẩn da, niêm mạc, nhọt ở mặt, đinh râu; viêm nang lông; viêm amiđan gây áp-xe quanh amiđan, thành họng, tai nạn do gây tê (thuốc tê, kim tiêm không vô khuẩn)…

Tổ chức tế bào vùng mặt lỏng lẻo, các vùng thông thương với nhau làm nhiễm khuẩn tiến triển nhanh, lan rộng và biểu hiện rầm rộ. Hệ thống bơm của các cơ vùng mặt rất đa dạng, tạo điều kiện cho các yếu tố viêm nhiễm lan đi và biểu hiện ở các vị trí xa hơn so với vị trí gây bệnh. Miệng là cửa ngõ đi vào của thức ăn, tiếp xúc đa dạng với môi trường nên dễ nhiễm khuẩn. Các nhiễm khuẩn từ miệng thường nặng. Đa số các răng cắm trong xương hàm có chóp chân răng nằm gần bản xương, liên quan mật thiết với xoang hàm, làm cho vi khuẩn dễ lan sang các khu vực cận kề. Những người suy giảm miễn dịch cũng dễ mắc bệnh.

Xử trí và phòng bệnh thế nào?

Nguyên tắc chính là chẩn đoán sớm, điều trị tích cực bằng thuốc, phẫu thuật, nâng cao thể trạng. Các bác sĩ sẽ xác định vùng tổn thương, đánh giá vị trí dò mủ, xác định nguyên nhân gây viêm nhiễm.

Khi trích rạch dẫn lưu mủ: đường rạch phải đủ rộng, trực tiếp vào ổ mủ, mọi ngóc ngách, bơm rửa nhiều lần bằng dung dịch nước muối sinh lý, oxy già và betadine. Đặt dẫn lưu và bơm rửa hằng ngày qua dẫn lưu.

Xử lý nguyên nhân: nhổ răng, chân răng, lấy dị vật...

Dùng thuốc: phối hợp nhiều kháng sinh, đặc biệt, các kháng sinh chống vi khuẩn gram (-), yếm khí, tốt nhất là dùng theo kháng sinh đồ. Nếu người bệnh đau nhiều, phải dùng thuốc giảm đau, đồng thời nâng cao thể trạng cho người bệnh.

Để phòng bệnh, cần vệ sinh răng miệng hàng ngày sau mỗi bữa ăn, ít nhất trong thời gian 2 - 5 phút, khám răng miệng và lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần, hàn (trám) các răng sâu nếu có. Điều trị triệt để các viêm nhiễm vùng miệng họng do răng và do các nguyên nhân khác, dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

ThS. Trần Cao Bính

 

 


Ý kiến của bạn