Bệnh võng mạc đái tháo đường - Những điều cần biết

TS.BS Hoàng Cương

TS.BS Hoàng Cương

29-11-2021 10:03 | Bệnh thường gặp

SKĐS- Bệnh võng mạc đái tháo đường là một bệnh lý về đáy mắt do bệnh đái tháo đường gây nên. Bệnh võng mạc đái tháo đường sẽ khiến bạn phải đi khám mắt thường xuyên hơn.

Đại dịch COVID-19 làm gia tăng bệnh đái tháo đườngĐại dịch COVID-19 làm gia tăng bệnh đái tháo đường

SKĐS- Năm 2021 đánh dấu 100 năm kể từ khi con người tìm ra insulin, loại thuốc giúp thay đổi cục diện trong cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường. Thế nhưng căn bệnh này vẫn đang đe dọa thế giới.

1. Bệnh võng mạc đái tháo đường và các giai đoạn bệnh

Đối với người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), lượng đường trong máu cao gây tổn thương các mạch máu ở võng mạc. Các mạch máu này có thể sưng phồng và rò rỉ hoặc có thể đóng bít lại, ngăn máu đi qua. Trong khi các mạch máu bị hỏng, những mạch máu mới( tân mạch) được sinh ra nhưng cũng bất thường, tổn hại kép này có thể gây mất thị lực. Có hai giai đoạn chính của bệnh mắt do ĐTĐ.

Bệnh võng mạc ĐTĐ không tăng sinh ( NPDR - non-proliferative diabetic retinopathy)

Đây là giai đoạn đầu của bệnh võng mạc ĐTĐ. Rất nhiều người bị bệnh ĐTĐ đã mắc bệnh ở giai đoạn này. Với NPDR, các mạch máu nhỏ bị rò rỉ, làm cho võng mạc phù nề lên. Khi vùng hoàng điểm sưng phù được gọi là phù hoàng điểm. Đây là lý do phổ biến nhất khiến những người mắc bệnh ĐTĐ bị giảm thị lực.

Cùng với NPDR, các mạch máu trong võng mạc có thể chít hẹp hoặc đóng lại hoàn toàn. Điều này gây ra thiếu máu cục bộ ở vùng hoàng điểm. Khi tình trạng này xảy ra, máu không thể đến hoàng điểm. Đôi khi xuất hiện các hạt nhỏ còn gọi là dịch rỉ hay xuất tiết hình thành trong võng mạc. Những điều này cũng có thể ảnh hưởng đến sức nhìn của bạn.

Bệnh võng mạc ĐTĐ tăng sinh (PDR - proliferative diabetic retinopathy)

PDR là giai đoạn nặng hơn của bệnh võng mạc ĐTĐ. Nó xảy ra khi võng mạc bắt đầu phát triển các mạch máu mới( tân mạch võng mạc). Đây được gọi là quá trình tân mạch hóa. Các mạch mới mỏng manh này thường dễ vỡ gây chảy máu vào dịch kính. Nếu chúng chỉ chảy một ít máu, bạn có thể thấy một vài mảng đen trôi nổi trước mắt. Nếu nhiều máu chảy ra hơn, các mảng này có thể che chắn tất cả trường nhìn của bạn.

Những mạch máu mới vỡ kèm theo xuất huyết này có thể hình thành nên mô sẹo. Mô sẹo có thể gây ra các vấn đề với hoàng điểm hoặc dẫn đến võng mạc bị tách lớp, bong ra khỏi lớp mô liền kề.

PDR rất nguy hiểm và có thể cướp mất cả thị lực trung tâm và ngoại vi của mắt tổn thương.

Bệnh võng mạc đái tháo đường- Những điều cần biết - Ảnh 2.

2. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn bị bệnh võng mạc ĐTĐ?

Bạn có thể mắc bệnh võng mạc ĐTĐ mà không biết. Điều này là do bệnh thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Khi bệnh võng mạc ĐTĐ trở nên nặng hơn, bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng như:

  • Vẩn đục dịch kính: thấy ngày càng nhiều thể trôi nổi trước mắt( dấu hiệu ruồi bay)
  • Nhìn mờ
  • Có thay đổi về thị lực, đôi khi thay đổi từ nhìn mờ sang nhìn rõ ràng hơn
  • Nhìn thấy các vùng trắng sáng hoặc vùng tối trong trường nhìn của bạn
  • Thị lực ban đêm giảm
  • Nhận thức màu sắc kém hoặc cảm thấy màu bị trôi nhạt
  • Mất thị lực

Các triệu chứng bệnh võng mạc ĐTĐ thường ảnh hưởng đến cả hai mắt.

3. Chẩn đoán bệnh võng mạc ĐTĐ

Mắt của bạn sẽ được nhỏ thuốc để làm giãn (mở rộng) đồng tử của bạn. Điều này cho phép bác sĩ nhãn khoa nhìn được xem bên trong mắt của bạn có vấn đề gì không nhờ một thấu kính đặc biệt.

Bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp liên kết quang học (OCT) để quan sát kỹ võng mạc. Người ta dùng một máy quét cắt lớp võng mạc và cung cấp hình ảnh chi tiết về độ dày, đánh giá chi tiết các lớp của nó. Điều này còn giúp các bác sĩ đánh giá độ dày và xem vùng hoàng điểm có bị phù nề không?

Chụp mạch huỳnh quang hoặc chụp mạch OCT giúp bác sĩ xem những gì đang xảy ra với các mạch máu trong võng mạc của bạn. Chụp mạch huỳnh quang sử dụng một loại thuốc nhuộm màu vàng có tên là fluorescein, được tiêm vào tĩnh mạch (thường là ở cánh tay của bạn). Thuốc nhuộm đi qua các mạch máu của bạn. Một máy ảnh đặc biệt chụp ảnh võng mạc khi thuốc nhuộm di chuyển khắp các mạch máu của nó. Điều này cho phép phát hiện ra nếu có bất kỳ mạch máu nào bị tắc nghẽn hoặc rò rỉ chất lỏng ra ngoài. Nó cũng cho thấy bất kỳ mạch máu bất thường nào đang hình thành và phát triển, nếu có. Chụp mạch máu kết hợp OCT là một kỹ thuật mới hơn và không cần thuốc nhuộm để nhìn vào mạch máu.

Bệnh võng mạc đái tháo đường- Những điều cần biết - Ảnh 3.

Chụp mạch huỳnh quang để kiểm tra mắt cho bệnh nhân đái tháo đường

4 .Điều trị bệnh võng mạc ĐTĐ

Cách điều trị sẽ dựa trên những tổn thương đáy mắt mà bác sĩ nhãn khoa nhận thấy ở mắt bạn. Các lựa chọn điều trị bao gồm:

Chăm sóc y tế

Kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp của bạn có thể giúp ngăn chặn mất thị lực. Nên cẩn thận tuân theo chế độ ăn uống mà bác sĩ dinh dưỡng của bạn đã khuyến nghị. Dùng thuốc mà bác sĩ nội tiết- ĐTĐ kê cho bạn. Đôi khi, chỉ kiểm soát tốt lượng đường đã có thể duy trì được thị lực của bạn. Kiểm soát huyết áp tốt góp phần giữ cho các mạch máu của mắt bạn khỏe mạnh.

Thuốc men

Bạn có thể được khuyên dùng một loại thuốc được gọi là thuốc chống VEGF. Chúng bao gồm Avastin, Eylea và Lucentis. Thuốc chống VEGF giúp giảm sưng phù hoàng điểm, làm chậm lại quá trình giảm sút thị lực và có thể cải thiện thị lực. Thuốc này được dùng bằng cách tiêm trực tiếp vào mắt(tiêm nội nhãn). Thuốc steroid là một lựa chọn khác để giảm phù hoàng điểm. Thuốc này cũng được tiêm vào thẳng vào mắt. Bác sĩ sẽ chỉ định bạn cần tiêm bao nhiêu thuốc, theo thời gian biểu như thế nào.

Can thiệp bằng tia laser

Các liệu trình điều trị bằng laser có thể được sử dụng để giúp bịt kín các mạch máu bị rò rỉ. Điều này có thể làm giảm sưng phù võng mạc. Chiếu laser cũng có thể giúp thu nhỏ các mạch máu và ngăn chúng phát triển trở lại. Đôi khi cần phải chiếu laser nhiều hơn một lần đến vài lần. Laser nội nhãn cũng có thể được áp dụng nếu bạn phải mổ can thiệp nội nhãn để diệt các mạch máu bất thưởng, hàn các vết rách võng mạc.

Bệnh võng mạc đái tháo đường- Những điều cần biết - Ảnh 4.

Dùng thuốc có thể giúp giảm phù hoàng điểm ở bệnh lý võng mạc ĐTĐ

Cắt dịch kính

Nếu bạn bị PDR giai đoạn cuối, bác sĩ nhãn khoa của bạn có thể đề nghị tiến hành phẫu thuật cắt dịch kính. Lúc đó người ta sẽ loại bỏ dịch kính và máu từ các mạch bị rò rỉ ở khoang dịch kính trong mắt của bạn. Điều này cho phép các tia sáng đi tiếp và hội tụ đúng cách trên võng mạc một lần nữa. Mô sẹo cũng có thể bị loại bỏ khỏi võng mạc. Hiển nhiên là với hy vọng để bạn sẽ nhìn rõ hơn!

5. Bạn bị ĐTĐ, cần lưu ý gì thêm về mắt?

Ngoài bệnh võng mạc, người bị ĐTĐ còn hay bị viêm bờ mi, hay lên chắp lẹo, thể thủy tinh mất tính trong suốt( đục thể thủy tinh) sớm hơn người bình thường.

Khi muốn thay kính hoặc cần đơn kính cần ghi nhớ: Thay đổi về lượng đường trong máu có thể ảnh hưởng đến thị lực của bạn, cao quá và thấp quá đều có thể như vậy. Cần đảm bảo lượng đường trong máu của bạn được kiểm soát tốt ít nhất một tuần trước khi khám mắt. Kính đeo mắt được kê đơn khi lượng đường trong máu của bạn ổn định sẽ là chính xác và phù hợp với bạn nhất.

5 cách để ngăn ngừa mất thị lực do bệnh võng mạc đái tháo đường

1. Nếu bạn bị ĐTĐ, hãy nói chuyện với bác sĩ chăm sóc chính của bạn về việc kiểm soát lượng đường trong máu của bạn. Lượng đường trong máu cao sẽ làm hỏng các mạch máu võng mạc. Đó chính là lý do gây giảm thị lực.

2. Bạn có bị cao huyết áp hoặc các vấn đề về thận không? Hãy hỏi bác sĩ của bạn về cách quản lý và điều trị những vấn đề này.

3. Gặp bác sĩ nhãn khoa của bạn thường xuyên để khám mắt có giãn đồng tử Bệnh võng mạc ĐTĐ có thể được phát hiện trước khi bạn nhận thấy bất kỳ vấn đề nào về thị lực.

4. Nếu bạn nhận thấy những thay đổi về thị lực ở một hoặc cả hai mắt, Hãy gọi ngay cho bác sĩ Mắt của bạn hoặc đi khám sớm.

5. Điều trị bệnh võng mạc ĐTĐ càng sớm càng tốt. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa mất thị lực.

Xem thêm video được quan tâm:

Kéo dài tuổi thọ, trẻ lâu nhờ lối sống lành mạnh (3)


BS. Hoàng Cương
Ý kiến của bạn