Câu hỏi là vì sao trong một thời gian dài mà cha bé và những người xung quanh không can thiệp?
Trong y khoa, bệnh vô cảm là khi bệnh nhân không cảm giác với mọi thứ xung quanh, không quan tâm, và không muốn can thiệp. Lý do bệnh vô cảm có thể nhiều thứ, gồm các bệnh trầm cảm, tâm thần, bệnh Parkinson, bệnh mất trí nhớ, và có thể do hoàn cảnh môi trường gây vô cảm.
Ở một môi trường mà người ta không thể can thiệp hoặc can thiệp không có hiệu quả thì dần dần mọi người sẽ không còn cảm giác nữa. Người ta sẽ bỏ mặc với những thứ tưởng chừng như cơ bản như tiếng la hét vì đau đớn của một đứa trẻ hay những vết bầm tím, dáng đi xiêu vẹo…
Câu chuyện trẻ em bị bạo hành ở Việt Nam không phải là mới. Báo chí trong nước năm 2019 đã đồng loạt có các thống kê từ Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy gần 70% trẻ em ở Việt Nam từng bị bạo hành ít nhất một lần dưới nhiều hình thức như đánh đập, xâm hại thân thể đến xâm hại tình dục với 2000 ca mỗi năm. Cũng theo báo cáo này, tính chất của các vụ việc có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học.
Như vậy, nghĩa là khoảng 6 trẻ em, như bé An, mỗi ngày bị đánh đập hay xâm hại. Trên thực tế thì con số đó còn cao hơn nhiều so với số liệu 2000 ca báo cáo.
Và như thế, cứ mỗi 4 tiếng, bệnh vô cảm làm cho người ta quên những trường hợp trẻ em đang bị đánh, và như thế, cứ 4 tiếng, thêm một đứa bé bị tổn thương tâm thần. Những chấn thương tâm lý này sẽ theo những đứa bé ấy đến suốt cuộc đời, và khiến cho bé trở nên vô cảm hơn, cũng có thể sau này bé lớn lên sẽ nghĩ, mình đã từng bị đánh, chẳng có ai giúp mình đâu.
Khi bé An mất đi, người ta còn thấy những trang vở mở ra, những bài học vội vã sau trận đòn nhừ tử. Có lẽ, bé đã biết, cách tốt nhất để thay đổi số phận của mình là học và bé đã cố gắng. Nhưng An ơi, con không còn cơ hội làm lại cuộc đời...!