Bệnh vô cảm

09-08-2013 20:47 | Xã hội
google news

Vụ tai nạn chìm canô H29 ở Cần Giờ (TP.HCM) là một tai họa lớn, nhức nhối dư luận với 9 người không thể trở về sau khi dự đám cưới ở Tiền Giang. Những người sống sót sau 6 giờ vật lộn trên biển có công của đơn vị cứu hộ sau khi được tin báo đã tích cực lao trong bão gió cứu người bị nạn có thể là chút an ủi để vợi bớt đau thương.

Vụ tai nạn chìm canô H29 ở Cần Giờ (TP.HCM) là một tai họa lớn, nhức nhối dư luận với 9 người không thể trở về sau khi dự đám cưới ở Tiền Giang. Những người sống sót sau 6 giờ vật lộn trên biển có công của đơn vị cứu hộ sau khi được tin báo đã tích cực lao trong bão gió cứu người bị nạn có thể là chút an ủi để vợi bớt đau thương.

Thế nhưng thông tin qua báo chí cho biết, ngoài canô H29 xuất bến ở Tiền Giang còn có 2 chiếc khác cũng chở người đi đám cưới như thành phần trên khiến dư luận lại thêm nhức nhối. Nhức nhối bởi trong lúc canô H29 bị lật úp thì 2 chiếc khác chạy phía sau hành xử ra sao? Họ cùng một đơn vị, cùng đi dự cưới, quen biết nhau cả và khi canô bạn bị lật không phải tất cả chìm ngay mà chắc chắn bám quanh chiếc canô bị lật như bám vào phao. Ảnh mấy ngày sau trên báo vẫn rõ chiếc canô bị lật nổi lập lờ trên mặt nước.

Hai chiếc canô đi sau có bỏ mặc người bị nạn không bởi sợ cứu người, người leo lên thì tàu mình cũng có thể bị lật? Những người trên hai chiếc canô  báo cho cơ quan cứu hộ khi nào hay có lãnh đạo (Giám đốc Công ty cổ phần Việt Sec - đơn vị đóng và bảo trì các canô  trên và Giám đốc Nhà máy Sản xuất ống thép dầu khí - PV PIPE) trên 2 chiếc canô  “an toàn” sợ lộ chuyện đi dự cưới bằng canô  đang sửa chữa nên đợi về đến Vũng Tàu mới báo?

Những câu hỏi trên cơ quan chức năng sẽ làm rõ, song thói vô cảm đã hiện nguyên hình. Canô bị lật là bất ngờ, 2 chiếc đi sau có thể chủ động vì không bất ngờ, nếu dũng cảm cứu người bị nạn ngay lúc đó biết đâu số người thiệt mạng sẽ giảm rất nhiều. Hay họ coi việc cứu người bị nạn thuộc đơn vị cứu hộ còn họ có thể bỏ mặc đồng nghiệp, cấp dưới theo kiểu “sống chết mặc bay” để cứu mình vì những lý do nghi vấn trên?

Có thể pháp luật không thể truy cứu tội hình sự với tội danh “không cứu người bị nạn” vì thói vô cảm có thể nại ra đủ lý do nhưng tòa án dư luận, tòa án lương tâm đã phán xử.

Từ chuyện 2 canô đồng hành bỏ mặc canô chìm ở Cần Giờ gợi nhớ đến bao tấm gương trẻ nhỏ cứu bạn, hoặc ngay trong vụ tai nạn này đã có người nhường áo phao cho một phụ nữ mà bỗng thấy chua xót cho những phẩm hạnh và nhân cách của những người lớn, thậm chí có chức quyền.

Bệnh vô cảm đang hoành hành trong cuộc sống chúng ta chăng khi những chuyện lái xe trên đường phố không cứu người bị tai nạn giao thông trong khi đám đông lại nhiệt tình tới mức vô cảm xúm lại bình luận về vụ tai nạn; Hoặc thấy kẻ cắp không dám nhắc người đang bị móc túi... Vô cảm với đồng loại, bạn bè sẽ vô cảm với đất nước, với nhân dân chỉ cách nhau nửa bước khi một bộ phận quan chức có thể lãng phí, tham ô, tham nhũng, ăn cắp tiền của công quỹ trên mồ hôi nước mắt đồng bào. Thói vô trách nhiệm, rũ trách nhiệm cũng là một biểu hiện của bệnh vô cảm.

Bệnh vô cảm không còn là chuyện vô tình, dửng dưng  trước nỗi đau của từng cá nhân cụ thể mà đang lây lan, phát triển với cấp độ lớn hơn liên quan đến sự tồn vong của dân tộc khi mà thói ích kỷ đang ngự trị, chỉ biết “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Đã đến lúc cả xã hội phải cùng xúm tay chữa căn bệnh nan y này từ hiện tượng nhỏ đến hiện tượng lớn.

Lê Quý Hiền


Ý kiến của bạn