Hà Nội

Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An - 60 năm phát triển toàn diện, vươn tầm cao

16-04-2024 09:00 | Y tế
google news

SKĐS - Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An không ngừng lớn mạnh. Tập thể cán bộ, y bác sĩ đang nỗ lực để từng bước đưa bệnh viện lên tầm cao mới, trở thành bệnh viện tuyến cuối về Y Dược cổ truyền khu vực Bắc Trung Bộ.

Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An - 60 năm phát triển toàn diện, vươn tầm cao- Ảnh 1.

Cán bộ bệnh viện bốc thuốc điều trị cho bệnh nhân.

60 năm hình thành, phát triển

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An được thành lập ngày 16/4/1964 với tên gọi đầu tiên là Bệnh xá Đông y dân lập quốc trợ. Thành lập trong bối cảnh bộn bề khó khăn thiếu thốn, nhưng tập thể y bác sĩ của bệnh xá luôn nêu cao bản lĩnh và tâm đức thực hiện trọng trách chữa bệnh cứu người.

Ngoài việc tiếp nhận thêm bệnh nhân trong diện bệnh điều trị, bệnh xá còn phải gánh vác thêm bệnh nhân các tuyến trạm xá, tuyến huyện và cả những bệnh nhân tai nạn chiến tranh của tuyến đa khoa tỉnh và Trung ương.

Ngày 15/6/1966, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định nâng Bệnh xá đông y Nghệ An dân lập quốc trở thành Bệnh viện Đông Y Nghệ An với quy mô 50 giường bệnh, 31 cán bộ, y bác sĩ.

Quyết định này tiếp thêm luồng sinh khí mới, tạo nên động lực mới cho đội ngũ thầy thuốc có thêm sức mạnh, niềm tin, phấn khởi để vượt lên mọi khó khăn, thực hiện tốt lời dạy của Bác "Lương y phải như từ mẫu".

Sau ngày miền Nam giải phóng, tỉnh Nghệ An sát nhập với tỉnh Hà Tĩnh, bệnh viện đảm nhận trọng trách lớn hơn, đó là khám và điều trị số lượng bệnh nhân của cả 2 tỉnh. Lúc này, bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Y học dân tộc I Nghệ Tĩnh.

Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An - 60 năm phát triển toàn diện, vươn tầm cao- Ảnh 2.

Kỷ niệm 20 năm thành lập Bệnh viện Y học dân tộc I Nghệ Tĩnh. Ảnh Tư liệu.

Lãnh đạo Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An cho biết, chặng đường 60 năm phát triển của bệnh viện in dấu ở những lần được nâng cấp, đổi tên để thuận lợi hơn cho công tác khám, chữa bệnh.

Thời kỳ năm 1990 – 1999, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chia tách, Bệnh viện Y học dân tộc Nghệ Tĩnh I cũng được tách thành "Bệnh viện Y học dân tộc Nghệ An". Bệnh viện có quy mô 150 giường nội trú, 50 giường ngoại trú và 150 cán bộ. Năm 1997, bệnh viện được UBND tỉnh quyết định nâng lên 200 giường bệnh nội trú, cơ cấu tổ chức gồm 13 khoa/phòng.

Đến năm 1999, Bộ Y tế có Công văn đổi tên "Bệnh viện Y học dân tộc Nghệ An" thành "Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An" và tên gọi này giữ nguyên cho đến ngày nay.

"Chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của bệnh viện đánh dấu nhiều sự đổi thay. Không chỉ 5 lần thay đổi tên gọi, mà do hoàn cảnh chiến tranh, bệnh viện cũng đã trải qua 6 lần chuyển địa điểm…", lãnh đạo Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An chia sẻ.

Không ngừng phát triển

Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An cho biết, ngày 28/3/2003, bệnh viện được nâng từ bệnh viện hạng III lên bệnh viện hạng II và ngày 30/9/2021 được nâng lên trở thành bệnh viện hạng I.

Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An - 60 năm phát triển toàn diện, vươn tầm cao- Ảnh 3.

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An vinh dự được Bộ Y tế tặng cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2022.

Vào ngày 7/4/2023, Bộ Y tế đồng ý chủ trương xây dựng Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An là bệnh viện tuyến cuối về Y học Cổ truyền trong khu vực. Bệnh viện là 1 trong 7 đơn vị xếp hạng nhất toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

BS CKII Hồ Văn Thăng, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An cho biết, hiện nay, bệnh viện có 23 khoa/phòng/trung tâm, với cơ cấu 750 giường bệnh kế hoạch, lượng bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày trung bình từ 1.200 – 1.400 người.

Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An cho hay, xác định chất lượng nguồn lực là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững, trong những năm qua, bệnh viện tích cực chủ động trong công tác đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ viên chức.

Ngoài cử đội ngũ đi đào tạo ở các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện còn đa dạng hóa các hình thức đào tạo khác, tạo thêm cơ hội tốt để đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên học hỏi thêm về kinh nghiệm chuyên môn.

Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An - 60 năm phát triển toàn diện, vươn tầm cao- Ảnh 4.

Hệ thống trang thiết bị của Bệnh viện được đầu tư hiện đại, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh.

Đến nay, bệnh viện có 472 cán bộ, trong đó có 22 bác sĩ, dược sĩ Chuyên khoa II, 80 người trình độ Thạc sĩ, Chuyên khoa I, tỷ lệ sau đại học, đại học đạt trên 75%; trở thành một trong những đơn vị có tỷ lệ nguồn nhân lực y tế chất lượng cao nhất tỉnh.

Ngoài việc tăng cường đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại, ứng dụng hiệu quả vào điều trị như: Máy điện châm đa năng thay thế phương pháp châm cứu; máy sóng xung kích tác dụng chống viêm, giãn cơ giảm đau; máy siêu âm, máy điều trị nhiệt nóng lạnh giúp giãn cơ, giảm sưng viêm; máy kéo giãn cột sống; máy sóng ngắn; máy oxy cao áp...

Bệnh viện còn phát triển mạnh mẽ các kỹ thuật mũi nhọn chuyên sâu, điển hình như kỹ thuật "Điều trị di chứng liệt" do tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống; qua đó, đã phục hồi chức năng thành công cho hàng ngàn người bệnh thuộc các mặt bệnh trên, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, sống vui, sống khỏe.

Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An - 60 năm phát triển toàn diện, vươn tầm cao- Ảnh 5.

Lãnh đạo bệnh viện thăm hỏi, động viên bệnh nhân.

Đặc biệt từ năm 2019, bệnh viện triển khai kỹ thuật "Nội soi ống cứng can thiệp - Tiêm xơ búi trĩ" bằng thuốc PG60 điều trị thành công cho gần 2 nghìn người; tạo nên dấu ấn thương hiệu của Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An…

Phát huy hiệu quả tinh hoa dược học cổ truyền, những năm gần đây, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An đã chú trọng đầu tư hệ thống máy móc phục vụ sản xuất, chế biến dược liệu hiện đại, tạo dây chuyền khép kín, đồng bộ theo quy trình.

Đến nay, bệnh viện đã tự chế biến trên 90% dược liệu và sản xuất 37 mặt hàng thuốc từ dược liệu (với dây chuyền có công suất sử dụng 100 kg thuốc/ngày); đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị cho bệnh nhân cả về số lượng và chất lượng.

"Một chặng đường dài với biết bao thăng trầm, để bệnh viện đạt được những kết quả như ngày hôm nay, có những bước phát triển vượt bậc, vững chắc về mọi mặt, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên, khẳng định được năng lực và uy tín, là một địa chỉ tin cậy của nhân dân trong tỉnh và các địa phương lân cận, chính là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, không ngừng sáng tạo, thích ứng đổi mới của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của bệnh viện qua các thời kỳ", BS CKII Hồ Văn Thăng cho biết.

Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An - 60 năm phát triển toàn diện, vươn tầm cao- Ảnh 6.

Hiện nay Bệnh viện đã sản xuất được 37 mặt hàng thuốc từ dược liệu, trong đó có nhiều sản phẩm thuốc được người bệnh yêu thích như: Hương tô giải cảm, Hoàn an thần điều trị mất ngủ, Cồn xoa bóp, Cửu vị áp hoàn phòng ngừa và điều trị cao huyết áp, thủy dược ngâm chân…

BS CKII Hồ Văn Thăng cho biết thêm, thời gian tới bệnh viện tiếp tục tập trung cải tiến chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và quản lý khám, chữa bệnh, xây dựng bệnh viện hiện đại, chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và khẳng định niềm tin bền vững trong lòng người dân.

Chất lượng bệnh viện được nâng cao, tạo nên sự hài lòng của người bệnh. Nếu như năm 2019, điểm Quản lý chất lượng (QLCL) bệnh viện chỉ đạt 2.19, thấp nhất trong hệ thống bệnh viện YHCT của cả nước. Đến năm 2023, điểm QLCL Bệnh viện đạt 3.93, xếp vào tốp đầu hệ thống YHCT trong cả nước. Thương hiệu bệnh viện được xây dựng ngày càng lớn mạnh, tạo điều kiện để cán bộ nhân viên yên tâm cống hiến và gắn bó lâu dài với đơn vị.

Ngoài ra, bệnh viện tập trung định hướng "Giáo dục và tư duy" để cán bộ nhân viên nhận thức được vấn đề, thường xuyên tổ chức nhiều hình thức tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp với người bệnh cho cán bộ từ lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo khoa/phòng, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên hành chính và bảo vệ… nhằm hướng tới nhân viên bệnh viện xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh thân thiện, đáp ứng sự hài lòng người bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh viện chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, thiết kế cảnh quan, khuôn viên Bệnh viện giống như công viên, tạo cảnh quan môi trường thân thiện, không gian thư giãn cho bệnh nhân, người nhà và tất cả nhân viên Bệnh viện… góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.

Phát huy các giá trị y học cổ truyền kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt với các kỹ thuật tiên tiến của y học hiện đại để nâng cao hiệu quả điều trị; đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, từng bước xây dựng, hoàn thiện một bệnh viện chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện, hiện đại đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người bệnh và đảm bảo công tác bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An - 60 năm phát triển toàn diện, vươn tầm cao- Ảnh 7.

Năm 2022 là năm đánh dấu thành công vượt bậc về chuyển đổi số, thực hiện cải cách hành chính tại Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An. Bệnh viện là 1 trong 4 đơn vị được Sở Y tế chọn xây dựng mô hình "Bệnh viện thông minh".

Nhằm đáp ứng quy mô phát triển của Bệnh viện YHCT Nghệ An, hiện nay, ngoài thực hiện sửa chữa nâng cấp, hoàn thiện cơ bản các phòng bệnh và phòng làm việc, bệnh viện đang triển khai gói thầu xây dựng nhà điều trị 7 tầng với diện tích sàn hơn 8.400 m2. Sau hoàn thiện, bệnh viện có thể kê đủ 1.500 giường đủ tiêu chuẩn, đáp ứng mục tiêu là bệnh viện tuyến cuối về Y Dược cổ truyền khu vực Bắc Trung Bộ

"Nhìn lại chặng đường 60 năm qua là dịp để tập thể Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An tiếp tục nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh đoàn kết, giữ vững đơn vị văn hóa tiêu biểu, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các khoa, phòng năng động, sáng tạo, "dám nghĩ - dám làm - dám đổi mới - dám đương đầu - dám chịu trách nhiệm", quyết tâm giữ vững "lá cờ đầu" của ngành Y tế Nghệ An và khối y học cổ truyền, xứng tầm Bệnh viện tuyến cuối y học cổ truyền khu vực Bắc Trung Bộ" – BS CKII Hồ Văn Thăng – Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh.

60 năm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo tồn tinh hoa y học của dân tộc, Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, được cụ thể bằng nhiều Bằng khen của Chủ tịch nước, của Hội đồng Nhà nước, của Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh như 2 Huân chương Lao động hạng Nhì; 1 Huân chương Lao động hạng Ba; Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng và rất nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ Y tế, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Bài, ảnh: Khánh Tâm - Cẩm Nhung


Ý kiến của bạn