Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng: Bất an vì quy hoạch “treo”

09-01-2015 11:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Là cơ sở y tế chuyên ngành y học cổ truyền tuyến cuối của Hải Phòng, Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng áp dụng nhiều biện pháp kết hợp Đông - Tây y để nâng cao chất lượng điều trị phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Là cơ sở y tế chuyên ngành y học cổ truyền tuyến cuối của Hải Phòng, Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng áp dụng nhiều biện pháp kết hợp Đông - Tây y để nâng cao chất lượng điều trị phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Nhưng cơ sở vật chất thiếu, không có khu trồng dược liệu nghiên cứu dẫn tới bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Dược liệu trong chậu cảnh

Bị giãn tĩnh mạch chi dưới nhiều năm, toàn bộ khớp gối hai chân của bà Nguyễn Thị Tuyết, 73 tuổi, ở ngõ 215 phố Thiên Lôi (quận Lê Chân) bị đau cứng, tê buốt, không thể đi lại mỗi khi thời tiết thay đổi. Sử dụng thuốc, cơn đau chấm dứt nhưng lại nhanh chóng tái phát. Bệnh chỉ thuyên giảm thực sự khi bà Tuyết điều trị bằng phương pháp laser nội mạch kết hợp với thuốc nam tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Mỗi ngày 2 ca chừng 15 phút, bà Tuyết được dán 2 tấm đan nhiệt vào các huyệt đạo sau lưng và sử dụng kim luồn đưa hiệu ứng năng lượng laser vào lòng mạch máu, sau đó kết hợp sử dụng với thuốc cổ truyền, cải thiện khả năng vận động.

Bệnh viện luôn hướng tới mục tiêu chăm sóc người bệnh tốt hơn.

Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Nguyễn Xuân Phùng cho biết, mặc dù kết hợp cả Đông - Tây y để tăng hiệu quả điều trị, nhưng bệnh viện vẫn giữ quan điểm “y học cổ truyền phải đúng chất”. Chỉ có 5% số người bệnh phải điều trị thuốc tân dược. Đây là những người mắc bệnh gout, tiểu đường giai đoạn nặng và tăng huyết áp. 95% lượng thuốc điều trị cho người bệnh là các loại thuốc nam, cao hoàn tán. Tuy nhiên, những bài thuốc Đông y được áp dụng trong quá trình điều trị bệnh không nhiều, chủ yếu là những bài thuốc đã ghi trong từ điển y khoa và một số ít bài thuốc được các thế hệ đi trước của bệnh viện để lại. Công tác nghiên cứu các bài thuốc mới hiện còn nhiều khó khăn.

Theo quy định của Bộ Y tế, ngoài nguồn dược liệu nhập về phục vụ đại trà cho công tác điều trị do các đơn vị trồng dược liệu tập trung quy mô lớn, mỗi cơ sở điều trị bằng y học cổ truyền phải có vườn dược liệu với 60 loại cây thuốc mẫu để phục vụ quá trình nghiên cứu, bào chế thuốc mới. Nhưng BS. Nguyễn Xuân Phùng trầm tư: Bệnh viện cũng muốn có khoảnh vườn để trồng cho cẩn thận, phục vụ công tác điều trị, nghiên cứu bài thuốc mới. Nhưng khuôn viên như hiện nay, người bệnh còn phải nằm ghép đôi, ghép ba, bác sĩ phải làm việc chung phòng, lấy đâu ra chỗ trồng dược liệu.

Mong đợi ngậm ngùi

Sau 6 năm áp dụng phương pháp kết hợp Đông - Tây y trong điều trị các bệnh mạn tính, y học cổ truyền đã thực sự phát huy tác dụng. Nhiều người được điều trị ổn định các bệnh mạn tính. Thực tế, lượng người bệnh đến điều trị tại bệnh viện ngày càng nhiều. Chủ yếu là các bệnh mạn tính, không thể điều trị dứt điểm. Với 220 giường thực kê, mỗi ngày, bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận điều trị nội trú cho hơn 500 người bệnh. Tính riêng phương pháp laser nội mạch, mỗi ngày trung bình có 400 người bệnh cả nội trú và ngoại trú điều trị giảm đau khớp. Tình trạng quá tải vẫn thường xuyên diễn ra ở Bệnh viện Y học cổ truyền. Cảnh người bệnh nằm 2, thậm chí 3 người một giường trở thành phổ biến ở đây, nhất là vào thời điểm thay đổi thời tiết, nhiều bệnh mạn tính tái phát.

Được biết, do nằm trong dự án quy hoạch nên Bệnh viện Y học cổ truyền thuộc diện được xem xét chuyển địa điểm. Nhưng từ năm 2010, khi bị đưa vào quy hoạch, sau nhiều lần khoanh vùng địa điểm chuyển giao, Bệnh viện Y học cổ truyền vẫn phải chấp nhận cảnh “chuyển hụt”. Cơ sở mới chưa thấy bóng dáng, còn cơ sở cũ cũng chẳng thể chỉnh trang, cải tạo do nằm trên diện tích của một dự án treo. Vậy là, tất cả đều dồn vào 3 khu điều trị trên khuôn viên rộng 4.150m2 đành giữ y nguyên kết cấu, kiến trúc và cả những mảng vôi vữa, tường rêu từ ngày bệnh viện được thành lập năm 1962.

Để nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh bằng y học cổ truyền, bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán của Tây y như siêu âm màu, chụp Xquang, xét nghiệm máu, sinh hóa thông qua hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, nếu tình trạng quá tải không được giải quyết dứt điểm, chắc chắn sẽ khó nhận được sự hài lòng của người bệnh. Theo BS. Phạm Thu Xanh - Phó Giám đốc Sở Y tế, việc cấp bách cần làm để phát triển y học cổ truyền chính là ưu tiên bố trí mặt bằng đất mở rộng cơ sở điều trị cũng như phát triển vùng dược liệu nghiên cứu tại Hải Phòng. Qua đó, vừa giúp người bệnh được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn vừa giúp đội ngũ y, bác sĩ yên tâm làm việc, cống hiến.

Bài và ảnh: Như An

 

 


Ý kiến của bạn