Sau hơn 3 năm chiến đấu với đại dịch COVID-19, ngành y tế đối mặt muôn vàn khó khăn, thách thức. Việc thiếu thuốc, vật tư y tế là bài toán nan giải nhất hiện nay và đang từng bước được Chính phủ, Bộ Y tế tập trung tháo gỡ bằng những giải pháp điều hành hợp lý.
Tuy nhiên, khó khăn như vậy thì ngày một ngày hai không thể giải quyết ngay được.
Nếu tôi không tận mắt chứng kiến đội ngũ y bác sĩ ở Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng trong gần một tháng điều trị ở đây thì cũng khó mà lý giải cho hết thực trạng này.
Không hẳn tất cả các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện nào cũng nản lòng, hờ hững với bệnh nhân như thông tin trên cộng đồng mạng gần đây.
Lần đầu nằm viện với tâm trạng bất an và nhiều lo ngại, vậy mà tôi đã được các bác sĩ tư vấn, điều trị với nhiều biện pháp Đông - Tây y kết hợp đã mang lại hiệu quả tích cực, rất khả quan cho bệnh tình. Điều này làm thay đổi nhận thức của tôi về bệnh viện y học cổ truyền từ trước đến nay. Tôi cứ nghĩ, đó là một bệnh viện y học dân tộc truyền thống cổ xưa, nhưng nào ngờ nơi đây là một bệnh viện y học với những trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là các y bác sĩ đã tận tình chăm lo cho người bệnh.
Những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính hoặc các di chứng do tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não… thì y học cổ truyền có những lợi thế nhất định. Và đặc biệt đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa y học hiện đại và y học cổ truyền đã mang lại hiệu quả cao trong việc khám, chữa bệnh, hạn chế tối đa các di chứng, giảm gánh nặng cho bản thân người bệnh và gia đình.
Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Ánh cho biết: “Chính việc đẩy mạnh kết hợp giữa Đông y và Tây y đã góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, phù hợp với xu thế về yêu cầu chữa bệnh của xã hội hiện đại. Để làm được điều này, ngoài trang thiết bị hiện đại, chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi để các thầy thuốc được đi học nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng kiến thức Đông y và Tây y một cách nhuần nhuyễn trong khám bệnh, chữa bệnh”.
Điều mà tôi hết sức ngạc nhiên là tất cả bệnh nhân khi đến Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng luôn được khám lâm sàng và kết hợp thêm các cận lâm sàng như chụp X Quang, CT hoặc siêu âm tùy theo từng bệnh để đưa ra chẩn đoán xác định, đồng thời xem xét các chỉ định và chống chỉ định của các kĩ thuật về vật lý trị liệu - phục hồi chức năng trước khi thực hiện để không gây ra tai biến cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó người bệnh luôn được kết hợp các phương pháp châm cứu, thủy châm, thuốc thang… của y học cổ truyền nhằm tạo hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân khi đến điều trị.
Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng có một không gian đẹp, cây xanh bóng mát. Với các khối đa chức năng, khối điều trị nội trú 5 tầng, 1 tầng kỹ thuật, khối nhà khoa dược, nhà dinh dưỡng, chống nhiễm khuẩn và được đầu tư đồng bộ trang thiết bị xây lắp công trình và trang thiết bị y tế, với nguồn kinh phí của thành phố đầu tư.
Phó Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Duy Khánh cho biết: “Cùng với việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại, lãnh đạo Bệnh viện đã không ngừng xây dựng bệnh viện ngày càng hoàn thiện hơn. Đây là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối về y học cổ truyền của thành phố, hiện đơn vị đang thu dung điều trị cho hơn 420 bệnh nhân nội trú và 200 bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày”.
Trong thời gian đến, phương châm bệnh viện hướng tới là “xây dựng không gian văn hóa y dược cổ truyền, đánh thức tiềm lực y dược cổ truyền, phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”. Mục tiêu lâu dài là phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng thành bệnh viện đa khoa y học cổ truyền hàng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên và ngang tầm với các bệnh viện y học cổ truyền lớn trong cả nước.
Đặc biệt khi đến với Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, hầu như bệnh nhân nào cũng được tiếp xúc với bà Virginia Mary Lockett. Bà gắn bó với Bệnh viện Y học cổ truyền với tư cách là một tình nguyện viên về vật lý trị liệu - phục hồi chức năng đã hơn 12 năm nay.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ánh - Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Bà Virginia Mary Lockett không chỉ trực tiếp khám, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân khỏi bệnh mà còn đào tạo nâng cao tay nghề cho hàng chục bác sĩ, kỹ thuật viên của bệnh viện. Từ ngày đến đây, bà đã đem tới cho chúng tôi một cung cách làm việc khoa học, tận tụy, sáng tạo và một trái tim nhân hậu; coi bệnh nhân như người nhà. Cán bộ, nhân viên bệnh viện đã học hỏi từ bà rất nhiều".