GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Đại học Y dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sau quyết định chuyển Bệnh viện Xây dựng về Đại học Quốc gia của Thủ tướng Chính phủ đầu tháng 11/2022, Bệnh viện Xây dựng trở thành Bệnh viện Đại học Y dược và sẽ hoạt động với tên gọi mới từ tháng 12/2022.
"Đây sẽ cơ sở nhằm đẩy mạnh hoạt động đào tạo thực hành, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y - sinh - dược học, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho sinh viên Trường đại học Y Dược"- GS.TS Lê Ngọc Thành nói.
Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, Bệnh viện Đại học Y dược có quy mô 500 giường, được xây dựng hoàn chỉnh với thiết kế của các kiến trúc sư Mỹ. Bên cạnh nhiệm vụ khám chữa bệnh, đây cũng là cơ sở thực hành của Đại học Y dược.
Ngoài bệnh viện này, ông Thành cho biết Đại học Quốc gia Hà Nội đã có ý tưởng hình thành một "tổ hợp y tế" từ bộ khung hiện nay của Đại học và Bệnh viện Đại học Y dược, bao gồm hệ thống bệnh viện, phòng khám chuyên khoa công nghệ cao, hợp tác công - tư... với nhiều cơ chế, cách làm năng động phục vụ giảng dạy và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Chia sẻ với báo chí bên lề buổi gặp mặt nhà giáo khối ngành y dược, GS.TS Lê Ngọc Thành cho hay, để thu hút nguồn nhân lực và giảm tình trạng thiếu bác sĩ ở một số chuyên ngành đặc thù, với các chuyên ngành như gây mê hồi sức, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh… cần có cơ chế đặc biệt về lương và các chế độ đãi ngộ khác.
Theo đó, GS Thành nhấn mạnh, không chỉ tăng mức phụ cấp, nhân lực chuyên ngành này cần được trả lương cao nhất, có thể gấp 4-5 lần các chuyên ngành như: nội, ngoại, sản nhi, da liễu… Điều này cần phải được làm sớm vì theo ông, do mức thu nhập thấp, không thể làm thêm trong khi những công việc việc này vất vả nên việc tuyển dụng bác sĩ vào các chuyên ngành này rất khó khăn.
"Đơn cử ở thời điểm bùng phát dịch COVID-19 ở các tỉnh phía Nam thiếu nhân lực hồi sức tích cực cho người bệnh nguy kịch diễn ra ở nhiều nơi, có địa phương chỉ có 2 bác sĩ hồi sức... Vậy chúng ta phải làm sao để sinh viên khi chọn chuyên ngành thì sẵn sàng đăng ký vào các chuyên ngành đặc thù gây mê, tâm thần, giám định pháp y..."- GS.TS Lê Ngọc Thành bày tỏ.
Đại học Y dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hình thành trên cơ sở Khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội (hoạt động từ 2012), đến 2020 trở thành Đại học Y dược.
Hiện trường có trên 2.000 sinh viên và trên 200 giảng viên, nhân viên chính thức, chưa kể các chuyên gia y khoa đang làm việc tại các bệnh viện. Năm học 2022-2023, nhà trường tuyển sinh 550 chỉ tiêu sinh viên các chuyên ngành.
Trước đó, ngày 9/11/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1376/QĐ-TTg chuyển Bệnh viện Xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng về Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo đó, Bệnh viện Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng được chuyển nguyên trạng về Đại học Quốc gia Hà Nội để quản lý và tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có một bệnh viện là Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội, quy mô 100 giường bệnh. Theo quy hoạch, bệnh viện này sẽ có quy mô 1.000 giường bệnh, trụ sở tại khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hoà Lạc.