Ngày 29/3/2016, các y bác sĩ của Bệnh viện Xanh Pôn vừa thực hiện thành công 2 ca ghép thận. Bệnh nhân là Anh N.C.T, sinh năm 1986 quê Thái Bình và chị P.T.H.A, sinh năm 1980 quê quán Hải Phòng. Người nhận và người hiến không cùng huyết thống. Để tiến hành 2 ca ghép thận, bệnh viện đã huy động hàng chục y, bác sĩ chia thành nhiều kíp. Các kíp mổ đã phối hợp nhịp nhàng với kíp mổ lấy thận, kíp lọc rửa thận và kíp ghép thận. Sau ghép thận, cả hai bệnh nhân đều được đưa về chăm sóc tại phòng hồi sức ghép thận. Bệnh nhân tỉnh táo, đã có lượng nước tiểu ra tốt.
Bệnh nhân được đưa về phòng hồi sức sau ghép thận
Cách đây 3 năm, vào 9 giờ sáng ngày 28/12/2013, ca ghép thận đầu tiên của ngành y tế Hà Nội được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Sự kiện này đã mở ra hướng phát triển mới cho bệnh viện trong việc đầu tư cho lĩnh vực y tế chuyên sâu và phát triển chuyên ngành ghép tạng. Thành công trong cặp ghép thận đầu tiên đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, mở ra hướng phát triển mới trong việc triển khai những kĩ thuật cao và chuyên sâu. Việc quyết định chọn kĩ thuật ghép thận ở người là một quyết định có tính đột phá, hướng tới hoàn thiện đề án “Phát triển kĩ thuật ghép bộ phận cơ thể người của Ngành Y tế Thành phố Hà Nội.
Nhìn nhận về bước đột phá này, Ths.bs Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Ở Việt Nam, nhiều bệnh viện đã thực hiện kĩ thuật ghép thận, nhưng Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vẫn quyết định chọn kỹ thuật chuyên sâu này để nâng cao tay nghề cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên ở tất cả các chuyên ngành như ngoại khoa, gây mê hồi sức, nội khoa, các chuyên khoa cận lâm sàng khác và điều dưỡng”.
Phẫu thuật ghép thận tại Bệnh viện Xanh Pôn.
Cặp ghép thận đầu tiên đi vào lịch sử Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn năm 2013 trường hợp của bệnh nhân nữ Q.T.H. 29 tuổi ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình – bị suy thận độ IV phải chạy thận nhân tạo mỗi tuần 2 lần; người cho thận là mẹ đẻ 49 tuổi. Kíp phẫu thuật gồm 56 thành viên, do PGS. TS. Nguyễn Công Tô, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn làm tổng chỉ huy, cùng sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia ghép thận hàng đầu của Bệnh viện Quân đội 103. Ca ghép tiến hành đúng 3 tiếng đồng hồ, người nhận thận sau 30 phút đã có 200ml nước tiểu.
PGS. TS. Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân đội 103 – đơn vị hỗ trợ chuyển giao kĩ thuật cho Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Điều thành công nhất của ca ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chính là do các bác sĩ của bệnh viện thực hiện, các bác sĩ Bệnh viện 103 chỉ là người phụ mổ. So với ca ghép thận đầu tiên năm 1992 tại Bệnh viện 103, hồi đó các bác sĩ đã phải thực hiện trong 8 giờ đồng hồ và có chuyên gia nước ngoài mổ cùng, thì đến nay Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thực hiện ca ghép chỉ trong vòng 3 giờ và không phải mời chuyên gia nước ngoài. Điều đó cho thấy, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã làm chủ được kỹ thuật ghép thận”.
Ngay sau cặp ghép đầu tiên thành công, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã triển khai kĩ thuật ghép thận trở thành thường quy, bệnh nhân trở lại cuộc sống ổn định, sinh hoạt bình thường. Tất cả những bệnh nhân ghép thận và cho thận đều quay lại khám theo dõi sức khỏe định kì theo hướng dẫn của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Mỗi lần đến khám, người bệnh và gia đình lại chia sẻ tình cảm xúc động và lòng biết ơn đối với tập thể y bác sĩ đã tận tình giúp đỡ họ tái hòa nhập trở lại với cuộc sống.
Có được thành công ngày hôm nay đòi hỏi bệnh viện phải có sự đầu tư quyết liệt và đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến trang thiết bị máy móc và con người. Từ tháng 9/2012 - 9/2013, bệnh viện đã cử 16 kíp chuyên môn với gần 100 học viên đi đào tạo tại các trung tâm uy tín như Bệnh viện Quân đội 103, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, về các lĩnh vực điều trị nội thận, thận nhân tạo, phẫu thuật ghép thận. Bệnh viện cũng cử 2 kíp cán bộ đi đào tạo tại Viện trường Limoges; đồng thời liên tục mời các chuyên gia của các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 103 và Viện trường Limoges đến giảng dạy tại bệnh viện.