Bệnh viện Xanh Pôn: mổ nội soi 1 lỗ thành thường quy

15-05-2016 10:54 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - “Những nỗ lực đổi mới Bệnh viện Xanh Pôn trong thời gian gần đây, mà một trong số đó là phẫu thuật nội soi một lỗ sẽ dần thay thế phương pháp phẫu thuật nội soi thông thường, đang được bệnh viện coi là lựa chọn ưu tiên hàng đầu”.

PGS. TS Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn đã trao đổi với các đồng nghiệp như vậy, ngay sau ca mổ thị phạm đầu tiên tại bệnh viện vào chiều ngày mùng 10/5. PGS Sơn đã trực tiếp mổ cho cháu bé 18 tháng tuổi, bị nang ống mật chủ bẩm sinh, bằng phương pháp phẫu thuật nội soi chỉ mở duy nhất 1 lỗ ở rốn.

“Có rất ít trường hợp trong lịch sử phẫu thuật ứng dụng, mà lợi ích của một kĩ thuật đã trở nên phổ biến hiển nhiên chỉ trong một thời gian rất ngắn như vậy”. – Dubois (1992) đã mượn câu nói ấy của Alfred Cushieri để ca ngợi thành tựu vĩ đại của phẫu thật nội soi.

Năm 1985, Muho đã mở đường cho ngành phẫu thuật nội soi bằng một ca mổ cắt túi mật. Nhưng cha đẻ của phẫu thuật nội soi lại là Gs Philippe Muret, khi ông mô tả kĩ thuật cắt túi mật nội soi tương đối hoàn thiện, sau ca mổ năm 1987 tại Bệnh viện Lyon (Pháp).

Dựa trên nền tảng mà Muret mô tả, một ca mổ nội soi kinh điển đòi hỏi phẫu thuật viên phải mở ít nhất 3 lỗ để đưa dụng cụ vào trường mổ. Làm thế nào để giảm được số lỗ mổ, giảm sang chấn phẫu thuật, giảm biến chứng, rút ngắn thời gian nằm viện? Câu trả lời chính là cuộc đua cải tiến dụng cụ, cải tiến kĩ thuật, mà phương pháp phẫu thuật nội soi 1 lỗ được coi là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Trường hợp phẫu thuật nội soi 1 lỗ cũng là ca cắt túi mật, được báo cáo đầu tiên vào năm 1997, bởi tác giả Navarra và cộng sự. Ngay sau đó, phương pháp này được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, trở thành phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu ưu thích của cả bác sĩ cũng như người bệnh.

 

 

Trên thế giới, phẫu thuật nội 1 lỗ đã được áp dụng cho người lớn, với hàng nghìn mặt bệnh ở nhiều cơ quan khắp cơ thế:

- Phẫu thuật sọ não, đầu – mặt – cổ: Ngoài vết mổ trực tiếp, có thể đi qua ngách mũi – miệng.

- Phẫu thuật lồng ngực.

- Phẫu thuật ổ bụng: Phẫu thuật viên có thể chọn vết mổ tại rốn, hậu môn, âm đạo. Các tạng cho phép thực hiện kĩ thuật như tú mật, dạ dày, đại tràng, tử cung phần phụ, buồng trứng, hệ tiết niệu, tuyến thượng thận.

- Phẫu thuật khớp.

Do nhiều yếu tố khách quan, phẫu thuật nội soi 1 lỗ ở trẻ em rất khó khăn, nên kĩ thuật này phát triển chậm, sau 2 thập kỉ đã thực sự lùi lại phía sau so với người lớn.

Với bệnh lí nang ống mật chủ, phẫu thuật nội soi 1 lỗ sẽ là một thách đố với bất cứ phẫu thuật viên tầm cỡ chuyên gia ở mức nào. Bởi vậy, mà ở tất cả các nước, nang ống mật chủ nếu được phát hiện ở trẻ nhỏ, thì chỉ có một lựa chọn duy nhất là mổ phanh.

Năm 2009, Gs Diao M và cộng sự lần đầu tiên thực hiện ca phẫu thuật nội soi 1 lỗ cho bệnh nhi nang ống mật chủ, tại Bệnh viện Nhi khoa Bắc Kinh (Trung Quốc). Từ đó đến năm 2012, Gs Diao cũng chỉ dám mổ cho 19 cháu bé, trong số đó có 2 bệnh nhân phải chuyển mổ mở, 1 bệnh nhân bị rò mật sau 10 ngày. Đến nay, tổng số bệnh nhi nang ống mật chủ được Gs Diao và cộng sự mổ theo phương pháp 1 lỗ vào khoảng 200 trường hợp.

Ở Việt Nam, PGS. TS. Trần Ngọc Sơn bắt đầu mổ nang ống mật chủ theo phương pháp 1 lỗ cho bệnh nhi từ năm 2012, ở mọi lứa tuổi, tổng số bệnh nhi được mổ đến nay khoảng hơn 200. Với những thành công thu được, PGS Sơn đã có những công trình nghiên cứu khoa học báo cáo ở nhiều hội nghị quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm phẫu thuật với nhiều chuyên gia bạn bè trên thế giới. Tuy nhiên, ngoài bệnh viện ở Bắc Kinh và Việt Nam, thì các bệnh viện khác trên thế giới cúng chưa đủ khả năng triển khai kĩ thuật.

Phẫu thuật nội soi 1 lỗ cho bệnh lí nang ống mật chủ ở trẻ em là khát vọng chinh phục kĩ thuật cao của Bệnh viện Saint Paul. PGs – Ts Trần Ngọc Sơn đã quyết tâm triển khai phẫu thuật nội soi 1 lỗ để trở thành thường quy, trong đó có bệnh lí rất khó là nang ổng mật chủ ở trẻ em.

 


BS. Trần Văn Phúc
Ý kiến của bạn