Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí: Xử trí thành công ca bệnh hiếm gặp trong sản khoa

25-08-2017 14:50 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Một trường hợp hiếm gặp trong sản khoa vừa diễn ra tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), sản phụ có nguy cơ tắc mạch sau quá trình mổ lấy thai đã được các bác sĩ can thiệp thành công.

Hiện sức khỏe sản phụ và trẻ dần ổn định.

Sản phụ Lê Thị L. (sinh năm 1996, ở thôn 2, Hoàng Tân, Quảng Yên) vừa trải qua một cuộc phẫu thuật hiếm gặp. Nhập viện cấp cứu ngày 21/8 với tình trạng ối vỡ, đau bụng từng cơn vùng hạ vị. Sau thăm khám và siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh chuyển dạ đẻ lần 1, ối vỡ sớm, thai 38  tuần, ngôi ngược, siêu âm trọng lượng ước 3.650g được chỉ định mổ cấp cứu. Sau 30 phút phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra được một bé trai nặng 3,6kg, da hồng hào, khóc to, phản xạ sơ sinh nhanh nhẹn. Tuy nhiên, sau khi lấy thai, sản phụ bị đờ tử cung (tử cung không đáp ứng), máu trong buồng tử cung chảy nhiều thành dòng, ngay lập tức các bác sĩ đã dùng thuốc tăng cơn co tử cung và can thiệp cầm máu.

Sản phụ Lê Thị L. đã qua cơn nguy kịch và đang được chăm sóc tại BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (ảnh bệnh viện cung cấp).

Sản phụ Lê Thị L. đã qua cơn nguy kịch và đang được chăm sóc tại BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (ảnh bệnh viện cung cấp).

Sau khi tử cung ổn định và chuẩn bị khâu đóng bụng thì phát hiện tại vị trí xoang tĩnh mạch cạnh tử cung bên trái của sản phụ xuất hiện hình ảnh nghi ngờ chất gây, huyết khối và kèm theo nhiều bọt khí trong lòng tĩnh mạch. Phát hiện nguy cơ, lập tức các bác sĩ tiến hành khống chế kẹp tĩnh mạch tại hai vị trí trên, dưới đoạn nghi ngờ có huyết khối và mở xoang tĩnh mạch, bóc tách lấy ra được 2 khối chất gây kích thước 0,5x0,5mm kèm theo huyết khối và khí, sau đó nối khâu lại tĩnh mạch đồng thời xét nghiệm D-Dimer cho kết quả 19.888ng/ml (dấu hiệu cho thấy yếu tố rối loạn đông máu) - nguy cơ tắc mạch và có thể nguy hại cho tính mạng sản phụ. Sau phẫu thuật, kiểm tra đánh giá tình trạng người bệnh tỉnh, tử cung co hồi tốt, xét nghiệm D-Dimer cho kết quả 5.600ng/ml. Hiện tại, sức khỏe của sản phụ đang dần hồi phục, tiếp tục được theo dõi và điều trị sau phẫu thuật (truyền 3 đơn vị huyết tương và 2 đơn vị máu).

BSCKII. Vũ Thị Dung - Trưởng khoa Sản phụ theo yêu cầu, bác sĩ phẫu thuật chính trong kíp mổ cho biết: “Đây là một trường hợp hy hữu trong sản khoa, tại bệnh viện chưa từng tiếp nhận trường hợp nào như vậy. Với bệnh lý này thì bất kỳ sản phụ nào cũng có thể có nguy cơ. Nếu không được can thiệp kịp thời sản phụ có thể bị tắc mạch phổi... rất nguy hiểm cho tính mạng sản phụ”. Trong trường hợp này, các thầy thuốc của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã làm được điều đó, giúp người bệnh thoát khỏi những biến chứng nguy hiểm trong sản khoa. Mới đây, một trường hợp tương tự vào tháng 5/2017 tại Hoa Kỳ, một sản phụ đã tử vong vì tắc mạch phổi sau sinh.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn