Nói đến thành tựu y học của Việt Nam trong những năm gần đây phải nhắc đến kỹ thuật y học về mặt cấy, ghép tạng. Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mãn, gan, tim, tuỷ, hỏng giác mạc...
Chia sẻ về vấn đề này, tại Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi toàn quốc, GS.TS Trần Bình Giang, khi đó là Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, dù đi sau thế giới gần 40 năm nhưng đến nay nhưng trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước. Thậm chí tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với nhiều quốc gia phát triển với chi phí rẻ hơn.
"So với các nước trên thế giới, chi phí ghép tạng tại nước ta vẫn rẻ hơn rất nhiều. Chi phí một ca ghép ở Việt Nam bằng 1/8 ở Thái Lan và bằng 1/24 ở Mỹ", GS Trần Bình Giang cho hay.
4 phòng mổ song song thực hiện lấy và ghép tạng
Tháng 3/2023, Bệnh viện Việt Đức đã công bố ca ghép tạng thứ 100 từ người cho chết não. Cụ thể, bệnh viện đã thực hiện đồng thời lấy, ghép 4 tạng cho 4 bệnh nhân gồm tim, gan, 2 thận và nhiều mô khác, nguồn tạng từ nam thanh niên 32 tuổi ở Việt Yên (Bắc Giang) bị tai nạn giao thông chết não hiến tặng.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép mô, tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân Đ.M.K. (sinh năm 1991, trú tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị tai nạn giao thông được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau khi hồi sức cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương sọ não nặng, hôn mê sâu glassgow 4 điểm.
Được biết, anh K. là người chết não hiến tạng thứ 100 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, anh cũng là trường hợp hiến tạng thứ 9 từ người cho chết não tại Bắc Giang.
ThS. Phạm Thị Đào, Trưởng Đơn vị Tư vấn và Điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép mô, tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin, anh K. là trường hợp hiến mô, tạng nhiều nhất từ trước đến nay. Anh đã hiến tim, gan, 2 thận, 4 mạch máu, 2 dẻ sườn, 14 gân, 4 dây thần kinh.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiến hành song song 4 phòng mổ, gồm một phòng lấy tạng và 4 phòng ghép tạng cho 4 bệnh nhân.
Đó là bệnh nhân nữ sinh năm 1970 (ở Bắc Giang) bị suy tim giai đoạn cuối, được ghép tim của anh K. Sau khi mổ, bệnh nhân được chuyển về Hồi sức tim mạch.
Thứ hai là bệnh nhân nam sinh năm 1990 ( ở Ninh Bình) được chẩn đoán nang đường mật. Bệnh nhân này đã mổ tại Singapore 3 lần nhưng bệnh tình rất nặng. Gần đây, bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn cuối. Bệnh nhân được ghép toàn bộ gan, ca mổ rất thành công.
Hai bệnh nhân nhận thận đều là nam, cùng ở Hải Phòng, một người 42 tuổi và người còn lại 48 tuổi, đều bị suy thận mạn giai đoạn cuối.
PGS.TS. Nguyễn Quang Nghĩa cho biết, cả 4 bệnh nhân sau ghép sức khỏe đều tiến triển rất tốt, đang hồi phục để được xuất viện.
Nhiều ca ghép tạng thành công tại Bệnh viện Việt Đức
Phẫu thuật ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được bắt đầu từ năm 2002 với ca ghép thận đầu tiên từ người hiến khỏe mạnh. Đến năm 2007 bệnh viện đã thực hiện thành công lần đầu tiên tại Việt Nam trường hợp ghép gan cho người lớn.
Từ năm 2010, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật lấy đa tạng từ người cho chết não để ghép cho các bệnh nhân nhận tim, nhận gan, nhận thận và nhận phổi. Bệnh viện Việt Đức là trung tâm hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực ghép tim, ghép phổi, ghép gan…
GS.TS Trần Bình Giang cho biết, việc vận động hiến tạng rất khó khăn, trường hợp hiến tạng đầu tiên vào năm 2010, đến nay Bệnh viện Việt Đức đã có 100 gia đình đồng ý hiến mô, tạng của người thân sau khi chết não qua đời để cứu sống người khác.
100 trường hợp này Bệnh viện Việt Đức đã ghép được 50 ca ghép tim, 80 ca ghép gan, 157 ca ghép thận, 6 ca ghép phổi và nhiều mô khác như: van tim, mạch máu, gân sụn, thần kinh, giác mạc... được lưu trữ tại Ngân hàng Mô của bệnh viện và sử dụng ghép cho các bệnh nhân khác.
"Đây là số liệu không phải lớn nhưng là sự cố gắng của các đội ngũ chuyên môn và vận động hiến mô, tạng", GS Giang cho nói.
Gửi lời tri ân sâu sắc tới người bệnh đã có nghĩa cử cao đẹp!
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết thêm, nhu cầu ghép tạng ở nước ta hiện rất lớn, nhưng người cho rất ít. Ngoài Bệnh viện Việt Đức vận động được 100 người hiến tạng, trên cả nước chỉ có 50 trường hợp khác hiến tạng chết não.
Từ ca hiến tạng đầu tiên, đến nay, tổng cộng cả nước mới có 150 người chết não hiến tạng, đây là con số rất ít so với số người chết não hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Đã có rất nhiều người chờ hiến tạng nhưng không chờ được và đã mất.
Qua sự kiện người hiến tạng thứ 100, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gửi lời tri ân sâu sắc của người đã nhận tạng, của đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế y tế làm công tác vận động hiến ghép mô tạng, cảm ơn tới gia đình và người hiến tạng vì sự sống của người bệnh đã có những nghĩa cử cao đẹp.
Qua đây, Bệnh viện muốn lan tỏa thông điệp "Hiến tạng cứu người" để truyền thông rộng rãi tới cộng đồng, giúp cứu sống nhiều người bệnh đang bên bờ sinh tử.
Hiến tạng là gì?
Hiến tạng là trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết. Khái niệm này được quy định cụ thể tại khoản 6 Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006, theo đó, Hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.
Hiến tặng nội tạng và mô liên quan đến việc lấy nội tạng và mô từ người đã chết (người hiến tặng) và cấy ghép chúng vào người, trong nhiều trường hợp, bị bệnh nặng hoặc có nguy cơ tử vong cao (người nhận).
Các cơ quan có thể được cấy ghép bao gồm tim, phổi, gan, thận, ruột và tuyến tụy.
Các mô có thể được cấy ghép bao gồm van tim và các mô tim, xương, gân, dây chằng, da và các bộ phận của mắt như giác mạc và màng cứng.
Cái chết phải xảy ra trước khi việc hiến tặng có thể được triển khai.
Độ tuổi được hiến mô, tạng
Về độ tuổi được hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể, Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định: Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
Quyền lợi của người hiến mô, tạng
Về quyền lợi, người đã hiến mô được chăm sóc phục hồi sức khỏe miễn phí sau khi thực hiện hiến mô. Đối với người hiến bộ phận cơ thể người, ngoài được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí còn được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế; Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.
Người đã hiến bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.