GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, sau 2 tuần gián đoạn các ca mổ phiên, chỉ ưu tiên ca cấp cứu do thiếu vật tư, hoá chất, bệnh viện đã mổ trở lại như bình thường. Hiện tại bệnh viện đã hoạt động bình thường, người dân có thể yên tâm đến khám chữa bệnh với đầy đủ phương tiện.
Theo GS.TS Trần Bình Giang, Nghị định 07 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế của Chính phủ đã tháo gỡ được nhiều 'nút thắt', giải quyết được các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị của bệnh viện. Ngay khi được tháo gỡ, bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hoá chất...
Một bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Việt Đức cho biết: "sau 2 tuần tạm dừng mổ phiên, hôm qua, Khoa tôi đã tiến hành phẫu thuật cho 20 bệnh nhân. Bác sĩ vui mừng mà người bệnh cũng phấn khởi và yên tâm".
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, năm 2022, Bệnh viện Việt Đức đã mổ gần 80.000 ca mổ phiên và mổ cấp cứu, tương ứng mỗi ngày khoảng 210 ca mổ. Đây là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt có số lượng ca mổ nhiều nhất cả nước.
Trước đó, cuối tháng 2/2023, do thiếu vật tư, hoá chất, Bệnh viện Việt Đức thông báo từ 1/3/2023 tạm hoãn mổ phiên, chỉ ưu tiên mổ cấp cứu, bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, Bệnh viện đã tổ chức thực hiện các quy định tại các văn bản này.
Không chỉ tại Bệnh viện Việt Đức mà ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành giúp tháo gõ nhiều 'nút thắt', điểm nghẽn, tại nhiều bệnh viện khác cũng đã bắt tay ngay vào việc triển khai 2 văn bản để nhanh chóng tiến hành mua sắm đấu thầu trang thiết bị y tế, vật tư, hoá chất phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.