Bệnh viện vệ tinh mang lại niềm tin cho người dân miền núi

28-12-2016 14:07 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sau 3 năm triển khai, Đề án Bệnh viện vệ tinh đã góp phần giảm tải cho tuyến trên, đồng thời giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên môn cao ngay tại địa phương.

Sau 3 năm triển khai, Đề án Bệnh viện vệ tinh đã góp phần giảm tải cho tuyến trên, đồng thời giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên môn cao ngay tại địa phương. Là một tỉnh miền núi, đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy khi thực hiện Đề án BV vệ tinh, Đề án 1816 đã giúp nền y tế của địa phương này thay da đổi thịt, nhờ đó người dân được khám chữa bệnh với trình độ chuyên môn cao ngay tại địa phương. Để hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với BSCKII. Phạm Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BVĐK tỉnh Tuyên Quang xung quanh vấn đề này.BS. Phạm Quang Thanh

BS. Phạm Quang Thanh.

PV: Thưa BS, gần đây người dân biết đến BVĐK tỉnh Tuyên Quang với nhiều thành tựu khá nổi bật như việc cấp cứu nhiều ca bệnh hiểm nghèo, hay những phẫu thuật mà trước đây chưa bao giờ ở BV tuyến tỉnh thực hiện được, BS có thể cho biết điều gì đã khiến BVĐK Tuyên Quang có thay đổi như vậy?

BS. Phạm Quang Thanh: BVĐK tỉnh Tuyên Quang là BVĐK tuyến tỉnh hạng I, tiếp nhận điều trị phần lớn bệnh nhân trong toàn tỉnh và có rất nhiều người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Do đó, với phương châm đưa kỹ thuật cao về gần dân để người dân được hưởng thụ những  kỹ thuật mới, tiên tiến ngay trên quê hương mình là chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo UBND tỉnh và ngành y tế. Vì vậy, khi Đề án BV vệ tinh được triển khai, Tuyên Quang là một trong những địa phương tham gia đề án từ những ngày đầu tiên. Hiện nay, BVĐK tỉnh Tuyên Quang là BV Vệ tinh của BV Bạch Mai và BV Việt Đức. Có thể khẳng định, Đề án BV vệ tinh đã mang lại cho bộ mặt y tế Tuyên Quang nói chung, BVĐK tỉnh nói riêng nhiều sự thay đổi lớn. Nhờ sự chuyển giao kỹ thuật của các thầy ở BV tuyến Trung ương mà BV đã thực hiện và làm chủ được nhiều kỹ thuật khó như phẫu thuật u não, u gan, K buồng trứng, vỡ gan, chấn thương bụng kín, sốc mất máu; phẫu thuật nội soi khớp gối, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật chấn thương sọ não, chấn thương cột sống... Có những kỹ thuật đã được thực hiện và trở thành thường quy tại BV như phẫu thuật nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Longo... Đặc biệt, với kỹ thuật mổ u não, nếu như trước đây người bệnh khi bị mắc căn bệnh này chỉ còn cách là lên Hà Nội, nhưng hiện giờ không phải chuyển tuyến mà bệnh nhân thực hiện ngay kỹ thuật tại quê nhà.

Nhờ có Đề án BV vệ tinh mà các bác sĩ tuyến dưới đã vững vàng thực hiện những kỹ thuật khó, kỹ thuật chuyên sâu. Tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm mạnh. Sự tận tình của các thầy thuốc tuyến trên và sự nỗ lực của các bác sĩ tuyến dưới đã mang đến sự tiện lợi cho bệnh nhân. Không còn điều gì vui hơn khi nhờ hiệu quả của Đề án BV vệ tinh mà nhân dân trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng những kỹ thuật thương hiệu “trung ương” ngay tại tuyến tỉnh.

PV: Để từng bước nâng cao chất lượng KCB cho người dân, trong những năm qua, BV đã chú trọng đầu tư trang thiết bị máy móc, cơ sở vật chất cũng như nguồn lực?

BS. Phạm Quang Thanh: Lãnh đạo bệnh viện nhận thấy phát triển nguồn nhân lực là một vấn đề then chốt cho sự phát triển của bệnh viện, vì vậy bệnh viện có nhiều chính sách thu hút cán bộ, đặc biệt là cán bộ có trình độ như bác sĩ và cử nhân điều dưỡng. Lãnh đạo bệnh viện luôn quan tâm chăm lo đời sống cán bộ viên chức, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ yên tâm công tác, tận tụy phục vụ người bệnh. Hàng năm, bệnh viện xây dựng kế hoạch đào tạo và luân phiên cử cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tiếp nhận chuyển giao chuyên môn kỹ thuật tại chỗ từ Trung ương về tỉnh, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Đặc biệt khuyến khích bác sĩ đi học nâng cao trình độ chuyên môn: viện có 2 thạc sĩ đang nghiên cứu sinh; 9 BSCKI học BSCKII; 3 bác sĩ học cao học; 3 bác sĩ học CKI; và 19 điều dưỡng trung cấp học lên đại học)

Để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, trong nhiều năm qua, bệnh viện đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất.Một ca phẫu thuật tại BVĐK Tuyên Quang

Một ca phẫu thuật tại BVĐK Tuyên Quang.

PV: Hướng phát triển của bệnh viện trong giai đoạn tới tập trung vào vấn đề gì?

BS. Phạm Quang Thanh: Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới bệnh viện tiếp tục hoàn thiện và nâng cao những kỹ thuật đã và đang được thực hiện tại bệnh viện, nâng cao các kỹ thuật can thiệp chuyên khoa theo các chuyên ngành tim mạch, ung bướu, ngoại khoa, nhi khoa và sản khoa.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 1816 của Bộ Y tế về tăng cường cán bộ y tế từ Trung ương cho tỉnh và từ tỉnh cho huyện, xã. Thực hiện thành công Dự án BV vệ tinh của BV Bạch Mai, BV Việt Đức và BV K Trung ương.

Đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh, đặc biệt là việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao như chụp cộng hưởng từ, chụp CT scanner 128 lát, xét nghiệm sinh học phân tử...

Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ nhân viên bệnh viện, thực hiện tốt quy chế giao tiếp, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vì mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

PV: Trân trọng cảm ơn BS!


Nguyễn Hồng (thực hiện)
Ý kiến của bạn