Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT) giai đoạn 2013-2020 của Bộ Y tế với mục tiêu hình thành và phát triển mạng lưới BVVT gồm một số BV trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế TP.HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các chuyên khoa hiện tại đang quá tải trầm trọng, đồng thời, đề án cũng mong muốn giảm ít nhất 15% tỷ lệ chuyển tuyến của bệnh nhân (BN) từ BVVT lên BV hạt nhân so với trước khi thực hiện Đề án. Theo đó, hàng trăm kỹ thuật khó đã được các BV hạt nhân chuyển giao cho BV tuyến dưới, nhờ đó, tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt, ghi nhận của phóng viên Báo SK&ĐS về những lợi ích của việc tham gia Đề án BVVT của một số BV.
BS. Phạm Quang Thanh - Giám đốc BVĐK tỉnh Tuyên Quang:
Không chỉ nâng cao về chuyên môn mà còn học được phong cách làm việc chuyên nghiệp
BVĐK tỉnh Tuyên Quang là BVĐK tuyến tỉnh hạng I, tiếp nhận điều trị phần lớn BN trong toàn tỉnh và có rất nhiều người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Do đó, với phương châm đưa kỹ thuật cao về gần dân để người dân được hưởng thụ những kỹ thuật mới, tiên tiến ngay trên quê hương mình là chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo UBND tỉnh và ngành y tế. Vì vậy, khi Đề án BVVT được triển khai, Tuyên Quang là một trong những địa phương tham gia đề án từ những ngày đầu tiên. Hiện nay, BVĐK tỉnh Tuyên Quang là BVVT của BV Bạch Mai và BV Việt Đức. Có thể khẳng định, Đề án BVVT đã mang lại cho bộ mặt y tế Tuyên Quang nói chung, BVĐK tỉnh nói riêng nhiều sự thay đổi lớn. Nhờ sự chuyển giao kỹ thuật của các thầy ở BV tuyến trung ương mà BV đã thực hiện và làm chủ được nhiều kỹ thuật khó như phẫu thuật u não, u gan, k buồng trứng, vỡ gan, chấn thương bụng kín, sốc mất máu; phẫu thuật nội soi khớp gối, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật chấn thương sọ não, chấn thương cột sống… Có những kỹ thuật đã được thực hiện và trở thành thường quy tại BV như phẫu thuật nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Longo… Đặc biệt, với kỹ thuật mổ u não, người bệnh đã không phải chuyển lên Hà Nội mà được thực hiện ngay kỹ thuật tại quê nhà.
Nhờ có Đề án BVVT mà tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm mạnh. Đồng thời các thầy thuốc tuyến dưới không chỉ được nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng sử dụng máy móc tốt hơn mà còn học hỏi được tinh thần, thái độ làm việc chuyên nghiệp.
BS. Nguyễn Đức Hoành - BV Việt Nam, Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh:
Bác sĩ tuyến dưới tự tin và vững tay hơn khi thực hiện kỹ thuật mới
Đề án BVVT đã giúp cho các bác sĩ tuyến dưới được tiếp cận với những kiến thức mới, được học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu của các thầy tuyến trên. Nhờ có Đề án BVVT mà các bác sĩ thường xuyên được cử đi đào tạo, cập nhật nhiều kiến thức mới, nhờ vậy, bác sĩ tuyến dưới bắt kịp với những diễn biến tình hình bệnh tật đang thay đổi từng ngày. Bên cạnh đó, các bác sĩ ở tuyến dưới còn được các thầy tuyến trên về tận nơi “cầm tay chỉ việc”, nhờ vậy, bác sĩ rất tự tin và vững tay khi thực hiện các kỹ thuật mới.
BS. Đỗ Xuân Thụ - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Sơn La:
Áp dụng các kỹ thuật mới sau khi được nhận chuyển giao
BVĐK tỉnh Sơn La là BV hạng I của tỉnh miền núi vùng cao biên giới có 250km đường biên giới với CHDCND Lào, địa hình chủ yếu là núi và cao nguyên, địa hình chia cắt giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chưa phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bà con các dân tộc tỉnh Sơn La, BV đã thành lập thêm một số khoa như Tim mạch, Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Thận nhân tạo… Đồng thời, BV cũng chủ động cử cán bộ học tập nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật mới do các BV tuyến trên chuyển giao và nhanh chóng áp dụng tại cơ sở theo Đề án BVVT và Đề án 1816. Theo đó, BVĐK tỉnh Sơn La đã nhận chuyển giao kỹ thuật trong xét nghiệm huyết học, sinh hóa, miễn dịch, kỹ thuật chụp đọc cộng hưởng từ (MRI), kỹ thuật HDF online, lọc hấp phụ trong điều trị ngộ độc, hóa trị điều trị ung thư… từ BV Bạch Mai; nhận chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật cột sống, thay khớp háng, tái tạo dây chằng chéo, phẫu thuật nội soi tán sỏi tiết niệu ngược dòng bằng lase, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật nội soi sản khoa… từ BV Việt Đức… Nhờ đó, tỷ lệ chuyển tuyến giảm, đặc biệt là ở các chuyên khoa ung thư, chấn thương, tim mạch, tỷ lệ chuyển viện giảm 5-7% mỗi năm.
GS.TS. Trần Bình Giang - Phó Giám đốc điều hành BV Việt Đức:
Cần có sự quan tâm của địa phương
GS. Trần Bình Giang là một trong những bác sĩ của BV Việt Đức gắn bó với công tác chỉ đạo tuyến, trong đó có Đề án BVVT với công tác chuyển giao kỹ thuật mới cho tuyến dưới. GS. Giang cho biết, khi ông đi trực tiếp khảo sát các BV ở địa phương, BV và lãnh đạo địa phương cũng rất hoan nghênh và muốn tham gia làm BVVT. Nhiều địa phương sẵn sàng đầu tư cho y tế. Nhờ có vốn đầu tư từ ngân sách địa phương nên các kỹ thuật chuyển giao đều thành công. GS. Giang nhấn mạnh, nếu không có phương tiện thì các thầy có cố chuyển giao cũng không được, hay không có nhân lực thì chẳng thầy nào dạy được. Nhiều địa phương đã bổ sung thêm nhân lực để phục vụ cho đề án này. Điển hình như BVĐK Lào Cai đã nhận các kỹ thuật chuyển giao và hoàn thành rất tốt.