Hà Nội

Bệnh viện vệ tinh - Hướng mở cho bài toán giảm tải

24-10-2013 17:24 | Tin nóng y tế
google news

Từ năm 2005, Bộ Y tế đã thực hiện thí điểm Đề án Bệnh viện (BV) vệ tinh về chuyên ngành ngoại khoa và nội khoa. Mục tiêu của đề án là tăng cường năng lực khám, chữa bệnh cho một số đơn vị vệ tinh của BV Bạch Mai và BV Việt Đức.

Hiệu quả từ thực tế

Từ năm 2005, Bộ Y tế đã thực hiện thí điểm Đề án Bệnh viện (BV) vệ tinh về chuyên ngành ngoại khoa và nội khoa. Mục tiêu của đề án là tăng cường năng lực khám, chữa bệnh cho một số đơn vị vệ tinh của BV Bạch Mai và BV Việt Đức. Hoạt động chủ yếu là đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp trang thiết bị y tế, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa thông qua mạng internet (Telemedicine). Trong quá trình thực hiện, các BV vệ tinh đã tiếp nhận được nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến,... nhờ đó, năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao. Khoa Vệ tinh BV Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh (Bệnh viện hạt nhân) nằm tại BV An Bình, quận 5, với 100 giường bệnh. Theo BS. Trần Thanh Mỹ - Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình, đây là Khoa Vệ tinh đầu tiên của BV Chấn thương chỉnh hình có chức năng khám lâm sàng, điều trị nội khoa trước khi phẫu thuật và các trường hợp hậu phẫu cần điều trị lâu dài như: điều trị cột sống cổ, lưng và thoát vị đĩa đệm,... giúp giảm tải cho tuyến trên. Sau thời gian ngắn, tại Khoa vệ tinh, số giường bệnh hoạt động tăng dần. BS. Quỳnh Mạnh Nhi, Phó trưởng Khoa Vệ tinh cho biết: "69 giường bệnh được BV An Bình giao khi thành lập không còn chỗ trống. Ngày đầu chỉ có hai người bệnh chuyển đến, hiện nay con số đã lên hàng trăm người bệnh".

Bệnh viện vệ tinh - Hướng mở cho bài toán giảm tải 1
 Nhờ chuyển giao kỹ thuật từ Đề án Bệnh viện vệ tinh, nhiều bệnh viện địa phương đã thực hiện mổ tim hở.

Anh Thạch Văn Tâm (16 tuổi, Vị Xuyên, Sóc Trăng) được phẫu thuật đặt vít ở chân từ BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM chuyển sang Khoa Vệ tinh - BV An Bình điều trị chia sẻ với chúng tôi: Bên BV Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, người bệnh quá đông, phải nằm ghép 2-3 người/giường. Em phải nằm trên băng-ca đặt ở hành lang. Khi chuyển sang đây, được nằm điều trị một mình một giường. Cơ sở điều trị tương đối tốt, sạch sẽ, thoáng mát. Các bác sĩ, y tá, điều dưỡng tận tình, hòa nhã. Hơn 60 trường hợp đang điều trị ở đây cũng đều được "giảm tải" từ BV Chấn thương chỉnh hình. BVĐK Đồng Nai trở thành BV vệ tinh của 2 BV: Chợ Rẫy và Ung bướu. BS. Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc BVĐK Đồng Nai cho biết: "Mỗi năm, tỉnh Đồng Nai phát hiện hơn một nghìn ca mắc bệnh ung thư. Nhu cầu điều trị ung thư ngày càng trở nên cấp bách. BV có Khoa Y học hạt nhân; máy điều trị ung thư, cơ sở vật chất khang trang, ổn định,...Việc trở thành BV vệ tinh cho BV Ung bướu là rất cần thiết nhằm đáp ứng tốt nhu cầu chữa và điều trị bệnh".

Nói không với quá tải

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2009, Đề án BV vệ tinh của BV Bạch Mai (Hà Nội) đã được Bộ Y tế phê duyệt thực hiện. Đến nay, BV Bạch Mai đã có 8 BV vệ tinh ở các tỉnh: Hà Đông, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai và Nghệ An. BV Việt Đức (Hà Nội) cũng có 6 BV vệ tinh ở các địa phương: Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định, Phú Thọ và Sơn Tây (Hà Nội).

Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án BV vệ tinh, BV Bạch Mai và BV Việt Đức đã chuyển giao được gần 100 kỹ thuật chuyên môn, tổ chức được gần 300 khóa đào tạo, tập huấn cho gần 12.000 lượt học viên thuộc 14 BV vệ tinh và các BV tuyến dưới khác. Đề án BV vệ tinh đã đạt được thành tựu mang tính đột phá là hàng ngàn cán bộ y tế được nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý qua các khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Nhờ đó, tỉ lệ khám, điều trị ngoại khoa, đặc biệt là bệnh nhân phẫu thuật tại 6 BV vệ tinh của BV Việt Đức đã tăng dần qua các năm, tỉ lệ bệnh nhân chuyển tuyến giảm hẳn... Nhiều kỹ thuật mổ phức tạp trước đây chưa làm được nay đã thực hiện tốt tại các BV vệ tinh của BV Việt Đức như phẫu thuật cấp cứu thần kinh, cấp cứu chấn thương, phẫu thuật mạch máu...

Đề án BV vệ tinh mang lại hiệu quả cao và là biện pháp hữu hiệu để "nói không với tình trạng quá tải", cần tập trung thực hiện tốt những biện pháp trọng tâm như: rà soát lựa chọn, ưu tiên đầu tư, triển khai hiệu quả việc xây dựng các BV vệ tinh; chuyển giao kỹ thuật tiên tiến cho BV tuyến dưới; huy động các nguồn lực nhất là nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư xây mới, nâng cấp các BV trên địa bàn; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế, liên kết đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao với các nước; phát triển mạnh mô hình bác sĩ gia đình;... Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Y tế, các Sở Y tế, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, vì lợi ích thiết thực của người bệnh.

Hà Trang


Ý kiến của bạn