GS.TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, những năm 2000, cả nước chỉ có 3 bệnh viện chuyên ngành, 14 khoa ung thư tại bệnh viện đa khoa tỉnh, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu khám chữa bệnh ung bướu của nhân dân thì tới năm 2019 trên toàn quốc đã có 8 bệnh viện chuyên ngành với các trang thiết bị y tế hiện đại, trình độ chuyên môn ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, 69 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu, đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân.
Tại Việt Nam, mỗi năm có 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Chính vì vậy, ung bướu là một trong 5 chuyên khoa được lựa chọn đầu tiên trong Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế giai đoạn 2013 - 2020.
Các bác sĩ của BVĐK tỉnh Khánh Hòa ứng dụng kỹ thuật điều trị u gan sau khi được
Bên cạnh việc ưu tiên cho các bệnh viện vệ tinh về chuyển giao chuyên môn kỹ thuật, hỗ trợ điều trị, các bệnh viện hạt nhân cùng các bác sĩ của bệnh viện vệ tinh rất chú trọng công tác tầm soát ung thư. Theo đó, các bệnh viện thường xuyên triển khai hoạt động tầm soát phát hiện sớm ung thư, cung cấp kiến thức phòng và kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây ung thư cho cộng đồng ngay tại địa phương.
Thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, đã giúp các bệnh viện hoàn toàn có thể tự chủ, có tỷ lệ giảm chuyển tuyến đến 100% như: Phẫu thuật ung thư tuyến giáp, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật ung thư cổ tử cung hay xạ trị ung thư vú, cổ tử cung, ung thư buồng trứng.
Tại BVĐK tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh chuyển giao kỹ thuật, từ năm 2018, BV Ung bướu (TP. Hồ Chí Minh) đã triển khai chương trình “Chuyển tuyến điều trị” đối với bệnh nhân ung thư. Việc triển khai mô hình này có nhiều lợi ích, giúp giảm tải cho tuyến trên, tuyến dưới tiếp nhận nhiều kỹ thuật điều trị ung thư tiên tiến, bệnh nhân được điều trị từ khâu đầu tiên cho đến cuối cùng tại tỉnh mà không phải tốn kinh phí đi xa
BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh là BV hạt nhân chuyển giao kỹ thuật cho 3 BV vệ tinh, trong đó có BVĐK tỉnh Khánh Hòa. Cuối năm 2014, đề án chính thức triển khai. Qua 5 năm thực hiện, BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo cho hơn 100 lượt bác sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên và điều dưỡng BVĐK tỉnh; tổ chức 32 đợt chuyển giao với các gói kỹ thuật theo hướng cầm tay chỉ việc. Trong đó, có những kỹ thuật loại đặc biệt, loại 1 (tuyến Trung ương) như: cắt dạ dày nạo hạch D2, cắt đại tràng, cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo hạch cổ...
Theo các bác sĩ của BVĐK tỉnh Khánh Hòa, trước năm 2014, hoạt động của Khoa Ung bướu chủ yếu là thực hiện hóa trị và xạ trị ngoài bằng máy Cobalt cho một số bệnh ung thư đầu mặt cổ, cổ tử cung, vú, đường tiêu hóa. Sau 5 năm tiếp nhận các kỹ thuật từ đề án BV vệ tinh, đến thời điểm này, khoa đã triển khai gần 90% các kỹ thuật do tuyến trên chuyển giao. Cụ thể, đã triển khai gần hết các phác đồ điều trị hóa trị theo chu kỳ và duy trì cho hầu hết các loại bệnh ung thư; thực hiện xạ trị nhiều trường chiếu với độ chính xác cao hơn trong điều trị ung thư vú, u não di căn, da mô mềm, trực tràng, phụ khoa và triển khai điều trị trúng đích cho một số loại ung thư (phổi, vú, huyết học, đường tiêu hóa)... Ngoài ra, khoa đã triển khai bộ phận điều trị chăm sóc giảm nhẹ cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn.
TS.BS. Phạm Xuân Dũng - Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM cho biết: “Qua thời gian triển khai đề án, chúng tôi nhận thấy cán bộ y tế của BVĐK tỉnh có tinh thần học hỏi cao. Đề án nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo BV, Sở Y tế và UBND tỉnh Khánh Hoà nhờ vậy, người dân của tỉnh Khánh Hòa có điều kiện được chữa trị ngay tại địa phương.
GS.TS. Trần Văn Thuấn khẳng định: Đề án Bệnh viện vệ tinh triển khai đã góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh.