Bệnh viện vẫn "giữ chân" bệnh nhân trong chuyển tuyến điều trị

16-12-2015 11:20 | Thời sự

SKĐS - Công tác chỉ đạo tuyến đã giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân các địa phương; người dân được tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao, hạn chế chuyển tuyến, góp phần giảm quá tải cho các BV tuyến trên.

Thông tin từ Hội nghị đánh giá 5 năm công tác chỉ đạo tuyến (2010-2015) và 1 năm thực hiện Thông tư 14/2014/TT-BYT quy định việc chuyển tuyến, giao ban chuyển tuyến do Cục Quản lý khám chữa bệnh tổ chức đưa ra cho thấy, 6 tháng đầu năm nay 18 bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ Y tế đã tiếp nhận 80.631 bệnh nhân được chuyển đến, trong đó có 1,38% trường hợp chuyển tuyến theo yêu cầu của người bệnh hoặc của người nhà bệnh nhân. Tại BV thuộc các sở y tế có gần 250.000 bệnh nhân chuyển đi, trong đó hơn 97% chuyển tuyến khi đủ điều kiện; gần 3% chuyển tuyến theo yêu cầu của người bệnh hoặc người nhà.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Cao Hưng Thái cho biết, thực hiện quyết định số 3172/QĐ-BYT ngày 1/9/2009 về việc kiện toàn, thành lập trung tâm, phòng đào tạo chỉ đạo tuyến của các BV hạng I, hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, đã có 24/37 BV thành lập Trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến, các BV còn lại đều kiện toàn tổ chức đơn vị thực hiện hoạt động chỉ đạo tuyến.

Hàng năm, 37 bệnh viện trực thuộc Bộ đã tổ chức khảo sát thực trạng BV tuyến dưới, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện hoạt động chỉ đạo tuyến và các đề án, dự án liên quan.

Các bác sĩ BV Việt Đức đang chuyển giao kỹ thuật tán sỏi niệu quản qua nội soi cho BVĐK tỉnh

Lào Cai

Đặc biệt, thực hiện Thông tư số 14/2014/TT-BYT quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế đều đã bước đầu thực hiện quản lý chuyển tuyến, thông tin hai chiều. Các BV đã hướng dẫn bệnh viện tuyến dưới thực hiện các chương trình y tế quốc gia như phòng chống lao, phong, tâm thần, tim mạch, đái tháo đường, bướu cổ và thực hiện khám sàng lọc tại cộng đồng…

Tại các sở y tế địa phương, công tác chỉ đạo chuyển tuyến cũng đã được quan tâm. Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng quy chế chuyển tuyến nội bộ địa phương, bảo đảm việc chuyển lên, chuyển xuống, chuyển ngang tuyến. Hầu hết các tỉnh đều tổ chức luân phiên cán bộ hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại địa phương.

Công tác chỉ đạo tuyến đã giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân các địa phương; người dân được tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao, hạn chế chuyển tuyến, góp phần giảm quá tải cho các BV tuyến trên.

Đánh giá kết quả sau 1 năm thực hiện Thông tư số 14/2014/TT-BYT cho thấy các bệnh viện đã bước đầu triển khai thực hiện việc quản lý chuyển tuyến, chuyển người bệnh đi các tuyển, tiếp nhận người bệnh từ các tuyến chuyển về và định kỳ báo cáo chuyển tuyến. Một số bệnh viện đã thực hiện phản hồi thông tin chuyển tuyến.

Một số BV tuyến tỉnh đã thường xuyên tổ chức giao ban chuyển tuyến với BV tuyến huyện: BVĐK tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La. Một số BV tuyến huyện tại Hòa Bình cũng đã tổ chức giao ban chuyển tuyến với các trạm y tế xã. Hoạt động giao ban chuyển tuyến bước đầu đạt được hiệu quả mong muốn…

Theo các đại biểu, công tác chuyển tuyến bước đầu đã giúp phản ánh năng lực chuyên môn tuyến dưới, là cơ sở xây dựng các giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân các địa phương.

Tuy nhiên, ông Cao Hưng Thái cũng thừa nhận, mặc dù Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định về chuyển tuyến điều trị nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh, đảm bảo người nặng được cứu chữa kịp thời ở tuyến trên, nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng bệnh nhân vượt khả năng cứu chữa của cơ sở nhưng BV vẫn giữ lại khiến bệnh trở nặng. Nguyên nhân, theo ông Thái, một phần là bất cập về chuyên môn kỹ thuật của đơn vị và một phần do quy định về thanh toán bảo hiểm. Nếu BV chuyển bệnh nhân là mất “khách hàng”, nguồn quỹ BHYT thanh toán sẽ chuyển sang BV tiếp nhận bệnh nhân. Ngay tại BV tuyến trên vừa qua cũng vẫn giữ bệnh nhân sau khi đã điều trị ổn định, hoặc vẫn giữ các bệnh nhân mắc bệnh thông thường có thể chuyển điều trị tuyến dưới. Việc này làm tăng chi phí điều trị cho người bệnh.

Việc chuyển tuyến của bệnh nhân trong khám chữa bệnh tới đây sẽ thuận lợi hơn

Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh đưa ra thông tin sẽ điều chỉnh quy định để chuyển tuyến điều trị được thuận lợi hơn. Hiện tại, với người bệnh nặng khi đến phòng khám muốn chuyển tuyến phải chờ hội chẩn, rất phức tạp, tới đây quy định này sẽ được cắt giảm. Những ca bệnh tuyến dưới không có chuyên khoa sâu, bệnh dễ diễn biến nặng như: ung bướu, tim mạch, nội tiết chuyển hóa, sản - nhi, ngoại chấn thương, bác sĩ có thể quyết định cho chuyển tuyến và chịu trách nhiệm về việc này, thay vì chờ hội chẩn của hội đồng, giảm thiểu bệnh nặng do trì hoãn chuyển viện.

Liên quan đến việc nhiều BV tư phàn nàn vì bị phân biệt đối xử, không được Bộ Y tế hỗ trợ về đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế, không được chuyển giao kỹ thuật phục vụ khám chữa bệnh, ông Thái khẳng định từ năm 2016 BV tư nhân cũng sẽ tham gia BV vệ tinh để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ BV hạt nhân.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, triển khai BV vệ tinh (BV tuyến trên là BV hạt nhân, chuyển giao kỹ thuật cho BV tuyến dưới) giai đoạn 2016 - 2020 sẽ không phân biệt BV nhà nước hay tư nhân. Vừa qua, các BV Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức đều đã có hợp tác, hỗ trợ cho các BV tư nhân. Trong đó, BV Vinmec Hà Nội đã trở thành BV vệ tinh BV Bạch Mai trong một số chuyên khoa.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật các chuyên ngành như tim mạch, nội tiết, rối loạn chuyển hóa, ung bướu, xương khớp, chấn thương, nhi khoa, sản khoa cho các bệnh viện tuyến dưới. Bên cạnh đẩy mạnh thực hiện quản lý công tác chuyển tuyến của các đơn vị, Bộ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thực hiện quản lý chuyển tuyến của đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên


Thái Bình
Ý kiến của bạn