Bệnh viện tuyến trên đang ‘ôm” bệnh tuyến dưới

20-12-2018 20:25 | Tin nóng y tế

SKĐS - Ngày 20/12, Bộ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn công tác Bộ Y tế đã có buổi làm việc với các bệnh viện tại TP.HCM xung quanh các phương án giảm tải.

Cần hút người nước ngoài về khám tại Việt Nam

Phát biểu trước đại diện của các BV Chợ Rẫy, ĐH Y dược, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, BV Quận 2, BV Quận Thủ Đức… Bộ trưởng Bộ Y tế  cho rằng cảnh bệnh nhân đến bệnh viện khám trông vẫn nhếch nhác vì quá tải, tình trạng này cần phải được chấn chỉnh ngay.

“Chúng ta mải mê khám chữa những loại bệnh lẽ ra chỉ khám ở bệnh viện tuyến xã, huyện và tỉnh, chính thế không khỏi khiến quá tải. Điều này phải chấn chỉnh. Bệnh viện tuyến trên phải buông bớt bệnh nhân. Thay vì phải lo quá tải, lo ứng xử với bệnh nhân, lo xử lý kiện cáo từ quá tải, hãy cải tổ để tập trung cho công tác chuyên môn, tập trung chữa bệnh nặng, kỹ thuật cao. Tại sao chuyên môn chúng ta cao mà lại để mỗi năm có đến 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh”, Bộ trưởng Y tế chất vấn.

Cũng theo theo Bộ trưởng PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, cần kéo ngược bệnh nhân trở lại. Thu hút người nước ngoài về khám chữa bệnh và cả những người nước ngoài đang sống tại Việt Nam. Còn y tế tuyến phường xã quản lý sức khỏe ban đầu, điều trị bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường đã điều trị ổn định chỉ còn dùng thuốc, tiêm ngừa, thăm khám thai. Bệnh viện tuyến trên chỉ làm dịch vụ kỹ thuật cao, chăm sóc sức khỏe toàn diện, cơ chế tài chính khuyến khích.

Đưa ví dụ từ mô hình của Singapore, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết nước bạn đã áp dụng hình thức khám bệnh theo nhiều mức giá kể cả mức giả tối thiểu cho người nghèo để làm các xét nghiệm cơ bản như đo huyết áp, tiểu đường. Hình thức này nên được nghĩ đến. “Hiện có 30% dân số tiểu đường mà không biết, vậy tại sao y tế cơ sở không làm để dân có điều kiện tầm soát bệnh”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm trạm y tế thí điểm đầu tiên y học gia đình, khám bệnh trực tuyến với bác sĩ tuyến trên

Tuyến dưới điều trị bệnh cơ bản, tuyến trên phát triển y tế chuyên sâu

Phát triển y tế tuyến cơ sở theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, không nên nghĩ theo kiểu “chỉ tăng và phát triển tuyến dưới” mà mục đích là “chuyển người bệnh từ tuyến trên xuống tuyến dưới để tuyến trên phát triển và thu hút thêm nữa việc điều trị những bệnh nặng bệnh khó và người nước ngoài”.

“Năng lực giỏi, trang thiết bị không thua nước ngoài, nhiều người ở nước ngoài về chữa đã khen việc điều trị, tại sao chúng ta lại không phát huy phát triển để kéo bệnh nhân về. Những điều này có lợi cho y tế cơ sở và cả người dân”. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường vai trò của truyền thông. Truyền thông cần biết các vấn đề chính sách y tế, tuyên truyền sự thay da đổi thịt của y tế tuyến cơ sở. Phải truyền thông liên tục để người dân biết rõ trạm y tế có những thay đổi về cơ sở vật chất, có bác sĩ giỏi. Bên cạnh đó, nếu người dân tiếp tục vượt tuyến thì một là tăng chi phí cho gia đình, hai là lên trên quá tải dẫn đến lây nhiễm chéo ảnh hưởng đến cả sức khỏe của người bệnh và người đi nuôi bệnh.

Báo cáo với đoàn công tác Bộ Y tế, TS. Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết mỗi năm thành phố có khoảng 45 triệu lượt khám và con số này ngày càng tăng thêm. Để chống quá tải, thành phố đã có nhóm hoạt động:

Một là phát triển phòng khám đa khoa vệ tinh ở quận Thủ Đức 2 trạm, quận 2 và Tân Phú mỗi quận có một phòng khám với số lượng khám mỗi ngày khoảng 180 bệnh, tăng 10 lần so với trước khi có phòng khám đa khoa vệ tinh. Sắp tới, thành phố phấn đấu mỗi quận có một phòng khám đa khoa vệ tinh.

Mô hình thứ hai là đổi mới trạm y tế theo mô hình y học gia đình. Cụ thể, Trạm y tế phường 13 quận Bình Thạnh đã được triển khai, trạm đủ rộng, có hai bác sĩ túc trực để đón bệnh, hai bác sĩ được kết nối với các bác sĩ tại các bệnh viện tuyến cuối qua internet. Sau 20 ngày triển khai có 691 lượt người đến khám, tăng khoảng 10 lần so với trước đó.

Vấn đề cuối cùng là xã hội hóa khám sức khỏe ở trạm y tế. Mô hình này giúp giảm tải tuyến trên và tiện lợi hơn cho người dân.


Thiên Chương
Ý kiến của bạn