Bệnh viện tuyến tỉnh chuyển đổi số hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh

25-11-2024 13:11 | Y tế
google news

SKĐS - Những bước tiến trong chuyển đổi số ngành y tế tại bệnh viện tuyến tỉnh đã tạo ra bước đột phá trong hoạt động khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho người bệnh.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

Hiện nay, việc chuyển đổi số và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang dần phổ biến trong các cơ sở y tế giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và mở ra nhiều cơ hội để nghiên cứu, phát triển các phương pháp tiên tiến hơn.

Chúng ta không thể phủ nhận trí tuệ nhân tạo cùng các công nghệ tiên tiến đang dần trở thành một phần không thể thiếu của công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ngoài việc giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác hơn, trí tuệ nhân tạo còn giúp phát triển các chương trình điều trị cá nhân hóa đồng thời tối ưu các quy trình chăm sóc.

Ở nước ta, mỗi ngày có đến hàng triệu bản in các kết quả chẩn đoán hình ảnh. Nếu ứng dụng trí tuệ nhân tạo với khả năng đọc, phân tích sẽ giúp các bác sĩ nhận được kết quả chọn lọc nhất thay vì phải xử lý khối lượng lớn các hình ảnh của từng ca bệnh như trước kia.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, đội ngũ y tế đã ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ não giúp hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định lâm sàng, giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán mà còn đưa ra những dự đoán chính xác về tình trạng bệnh đồng thời giúp bệnh nhân có những biện pháp điều trị kịp thời. Ngoài ra, bệnh viện còn duy trì và triển khai hiệu quả hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telemedicine để hội chẩn, tập huấn và đào tạo khoa học với các bệnh viện tuyến trung ương và các tuyến y tế trên địa bàn. Điều này góp phần kết nối đội ngũ bác sĩ phối hợp xử lý các ca bệnh khó, nguy kịch thông qua đó nâng cao chất lượng chất lượng điều trị cũng như hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Bệnh viện tuyến tỉnh chuyển đổi số hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh- Ảnh 1.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh dùng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não.

Chuyển đổi số hướng tới bệnh viện thông minh

Cùng với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cũng đang duy trì hoạt động ổn định các phần mềm hệ thống bao gồm: Bệnh án điện tử (EMR), phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án và thông tin bệnh viện, phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện FPT.ehospital (HIS-LIS), hệ thống lưu trữ truyền tải hình ảnh y khoa (PACS) thông qua đó cơ bản đáp ứng các yêu cầu quản lý, điều hành tổng thể bệnh viện và giảm thiểu sai sót trong khâu nhập liệu, phối hợp thanh quyết toán bảo hiểm y tế, góp phần minh bạch hóa mọi hoạt động khám chữa bệnh.

Theo BS.CKII Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh: "Việc giải pháp số hóa toàn diện trong công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe không chỉ giúp bệnh viện duy trì chất lượng dịch vụ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu trở thành bệnh viện thông minh trong thời gian tới".

Bệnh viện tuyến tỉnh chuyển đổi số hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh- Ảnh 2.

Thanh toán không tiền mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, một số cơ sở y tế tuyến tỉnh khác cũng đang tích cực chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới sự hài lòng cho người bệnh. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, việc triển khai số hóa thông tin, số hóa quy trình cùng ứng dụng nhiều giải pháp thông minh đã trở nên phổ biến tại viện bao gồm: Ứng dụng PACS, Giải pháp bệnh viện thông minh HIS, Hệ thống vận chuyển mẫu tự động bằng phương pháp hút chân không LIS,…

Hay tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc đã bố trí 40 máy tính, 38 máy in, 7 hệ thống camera giám sát cùng đường truyền internet tốc độ 200 Mbs để giúp kết nối nhanh đến các thiết bị và triển khai hiệu quả các phần mềm công nghệ số… Cùng với đó, bệnh viện triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh VNPT – HIS liên thông với cổng giám định bảo hiểm theo đúng quy định, đúng thời gian, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân. Trong 8 tháng đầu năm, tại bệnh viện có hơn 4.900 lượt người đến khám bệnh, trong đó, 3.600 lượt người làm thủ tục khám bằng thẻ CCCD gắn chíp, chiếm tỷ lệ 73%”.

Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến năm 2030, toàn cầu sẽ thiếu khoảng 18 triệu nhân viên y tế. Vì thế việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác khám chữa bệnh, chẩn đoán hình ảnh không chỉ cho kết quả chính xác cùng các phân tích dữ liệu nhanh nhạy mà còn giúp bác sĩ giảm tải được nhiều công đoạn trong công việc.

Chuyển đổi số trong y tế cộng đồng giúp hơn 1 triệu lượt người được sàng lọc bệnh miễn phíChuyển đổi số trong y tế cộng đồng giúp hơn 1 triệu lượt người được sàng lọc bệnh miễn phí

SKĐS - Đã có hơn 1 triệu lượt người được sàng lọc bệnh miễn phí qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai.


PV
Ý kiến của bạn