Bệnh viện tuyến dưới đã tạo niềm tin trong dân

24-12-2016 16:50 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Một bệnh nhân bị 20 viên đạn găm vào lồng ngực được cứu sống ngoạn mục ngay tại BVĐK tỉnh Tuyên Quang.

Một bệnh nhân bị 20 viên đạn găm vào lồng ngực được cứu sống ngoạn mục ngay tại BVĐK tỉnh Tuyên Quang. Một em bé sơ sinh bị tai nạn dao đâm thấu sọ cũng được các bác sĩ ở BV Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh phẫu thuật cứu sống thành công. Hay, hàng trăm bệnh nhân bị các bệnh lý về tim mạch không có điều kiện để về Trung ương chữa trị cũng đã được can thiệp tim mạch ngay tại địa phương... Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân nặng ở các địa phương được cứu sống kịp thời nhờ công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo theo Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT) của Bộ Y tế.

Nhiều loại bệnh không phải chuyển tuyến

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, những năm qua, đã có gần 1 vạn lượt cán bộ đi hỗ trợ cho tuyến dưới, trong đó, Trung ương hỗ trợ cho tuyến tỉnh gần 4.000 lượt, tuyến tỉnh hỗ trợ tuyến dưới khoảng 5.000 lượt; chuyển giao hơn 4.200 kỹ thuật và hầu hết các BV tuyến dưới đều làm chủ được kỹ thuật để khám chữa bệnh cho nhân dân. Cũng theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, kết quả của công tác chỉ đạo tuyến được thấy rõ qua tỷ lệ chuyển tuyến trên không phù hợp đã giảm 30%. Ở nhiều địa phương, trước đây có những loại bệnh tỉ lệ chuyển tuyến cao, nay đã không còn chuyển tuyến như ung bướu, chấn thương. Cũng nhờ đó mà người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ y tế có chất lượng cao, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.Ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân

Ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị găm 20 viên đạn vào ngực tại BVĐK tỉnh Tuyên Quang.

Là BV thực hiện vai trò chỉ đạo tuyến rất sớm, BV Việt Đức đã chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật cho hơn mười BV tuyến tỉnh về lĩnh vực ngoại chấn thương. Vì thế, trước đây bệnh nhân gãy vùng mấu chuyển xương đùi ở BVĐK tỉnh Bắc Giang phải chuyển tuyến 50% thì nay chỉ còn 0,5 % nhờ BV đã thực hiện được kỹ thuật phẫu thuật này, còn ở BVĐK Thái Bình trước 40% bệnh nhân phải chuyển tuyến thì nay 100% thực hiện được tại chỗ. Tương tự, BVĐK tỉnh Phú Thọ và Lào Cai, tỷ lệ chuyển tuyến cũng chỉ còn 1%. Các kỹ thuật khó như phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi trước đây ở BVĐK tỉnh Hà Giang 100% bệnh nhân phải chuyển tuyến thì nay chỉ còn 30%, tại Lào Cai 100% chuyển tuyến đến nay còn 20%... Vì thế, nhiều bệnh nhân được cấp cứu nhanh trong thời gian “giờ vàng” nên tránh được tử vong cũng như những di chứng suốt đời. Ngoài ra, trong năm 2016, BV Việt Đức đã chỉ ra gần 10 sai sót của tuyến dưới trong lĩnh vực chuyên môn. Qua đó, hướng dẫn tuyến dưới khắc phục và hoàn thiện hơn quy trình chuyên môn.

Cùng với BV Việt Đức, công tác chỉ đạo tuyến của BV Nhi Trung ương cũng đã giúp các BV tuyến dưới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hệ thống chỉ đạo tuyến của BV Nhi Trung ương đã bao phủ toàn bộ 28 tỉnh miền Bắc và miền Trung. Theo đó, hiệu quả thấy rõ là trình độ chuyên môn của các cán bộ y tế tuyến dưới được nâng lên rõ rệt: hồi sức sơ sinh đã cơ bản trở thành thường quy, các kỹ thuật khó khác đáp ứng yêu cầu của người bệnh ở địa phương. Cấp cứu - Hồi sức đã trở thành thường quy, ở các BV cùng nhiều kỹ thuật mới được cán bộ tuyến dưới tiếp cận, sử dụng hiệu quả. Hiện nay, lĩnh vực ngoại nhi ở các BV tỉnh đã phát triển nên các phẫu thuật cấp cứu ngoại nhi đã được tiến hành thường quy, đảm bảo an toàn. Đặc biệt, một số kỹ thuật cao như mổ tim hở đã được triển khai tốt tại BV Nhi Hải Phòng, BV Sản Nhi Bắc Giang...

Cần làm tốt việc khảo sát nhu cầu tuyến dưới

Nhờ sự trao đổi thông tin hai chiều giữa tuyến trên và tuyến dưới mà nhiều thông tin y học mới được cập nhật. Qua đó cứu sống được nhiều trường hợp bệnh nặng, góp phần tạo niềm tin trong nhân dân, giúp giảm quá tải BV tuyến trên.

Tuy nhiên, công tác đào tạo và chỉ đạo tuyến vẫn còn những hạn chế đó là các BV hạt nhân làm tốt việc khảo sát nhu cầu, nên khi triển khai thiếu thực tế, hoạt động còn lúng túng. Các BVVT chưa đủ nhân lực có trình độ để có thể tiếp nhận những kỹ thuật được chuyển giao từ tuyến trên. Từ kinh nghiệm của một BV tham gia Đề án BVVT, BS. Nguyễn Công Hóa - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình cho biết, BV hạt nhân cần phải khảo sát kỹ nhu cầu tuyến dưới cần cái gì và có thể phát triển được cái gì, nếu để tự phía BV đề xuất thì sẽ đề xuất nhiều, do đó, khó hiểu quả, lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, một trong những khó khăn khiến cho công tác chỉ đạo tuyến cũng như đào tạo chưa được thuận lợi là một số lãnh đạo BV chưa quan tâm đến công tác chỉ đạo tuyến, còn chỉ đạo hoạt động theo kiểu phong trào. Hoạt động chỉ đạo tuyến của các BV Trung ương còn trùng lắp, mô hình chưa thống nhất ở các tuyến...


Minh Hồng
Ý kiến của bạn