Bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ ghép tạng, phẫu thuật tim mạch, tiêu hóa

08-12-2017 14:37 | Y học 360

SKĐS - Nhờ Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh mà hiện nay nhiều bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ kỹ thuật cao như ghép thận, phẫu thuật tiêu hóa, phẫu thuật tim mạch, chấn thương chỉnh hình, tiết niệu, thần kinh...


Đây là thông tin được PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 1816, 5 năm thực hiện quyết định số 14/2013/QĐ- TTg và kết quat triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh, do Bệnh viện Việt Đức tổ chức ngày 8.12, tại Ninh Bình.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu tại hội nghị

Hội nghị có sự tham gia của các bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức, đặc biệt trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra hai ca mổ có sự tham gia hỗ trợ chuyên môn trực tiếp của các chuyên gia hàng đầu Bệnh viện Việt Đức cho hai điểm cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình và Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên.

Thông tin tại hội nghị, GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, nhờ thực hiện Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh, hàng loạt kỹ thuật cao của tuyến trên đã được chuyển giao cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Từ thực tiễn hiện nay cho thấy, việc thực hiện Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức đã đạt được nhiều kết quả hơn mong đợi, góp phần thực hiện hiệu quả việc giảm tải bệnh viện.

Nhiều bệnh viện đã được cải tạo, xây mới; tăng số giường bệnh ở bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối; thành lập mạng lưới 24 bệnh viện vệ tinh ở 28 tỉnh/thành phố; tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đã được cải thiện rõ nét; các bệnh viện vệ tinh đã làm chủ và thực hiện thường quy các kỹ thuật do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, nhiều kỹ thuật tỷ lệ chuyển tuyến giảm từ 100% xuống chỉ còn 5-10% như: Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Thanh Hóa…

"Trước đây do nhiều cơ sở y tế tuyến dưới chưa  được đầu tư trang thiết bị hiệu quả, thêm vào đó, trình độ của cán bộ còn hạn chế nên nhiều bệnh nhân không được điều trị kịp thời, chuyển về Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nặng, muộn. Tuy nhiên, từ khi có các Đề án này, Bệnh viện Việt Đức với vai trò là bệnh viện hạt nhân đã cử cán bộ về tuyến dưới "cắm chốt", tăng cường đào tạo cán bộ y tế tuyến dưới tại Bệnh viện Việt Đức, đồng thời có sự đầu tư của địa phương về trang thiết bị cho y tế tuyến dưới nên hiện nay không chỉ bệnh viện tỉnh mà nhiều bệnh viện huyện đều đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh"- GS.TS Trần Bình Giang nói

GS.TS Trần Bình Giang-  Giám đốc Bệnh viện Việt Đức phát biểu tại hội nghị

Theo GS.TS Trần Bình Giang, đến nay, sau 10 năm thực hiện Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện chuyển giao được 517 lượt kỹ thuật cho hơn 100 bệnh viện. Tổ chức nhiều khóa đào tạo cho hơn 3.000 lượt cán bộ cho tuyến dưới và 500 đoàn công tác của Bệnh viện Việt Đức đã về tuyến dưới công tác, cầm tay chỉ việc, hỗ trợ chuyên môn trực tiếp cho cán bộ tuyến dưới. Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã làm chủ các kỹ thuật cao tưởng chừng như không thể làm được tại tuyến dưới.

Ví như trước đây gần như 100% bệnh nhân bị chấn thương, tán sỏi ngược dòng của Điện Biên đều phải chuyển  về Hà Nội, trong đó có Bệnh viện Việt Đức thì hiện nay con số này đã giảm chỉ còn từ 1-2%.

Hay kỹ thuật mổ u não, trước đây hiếm bệnh viện tuyến dưới làm được thì hiện nay Bệnh viện đa khoa Phú Thọ và Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình đều đã thực hiện được.

Nhờ sự chuyển giao của Bệnh viện Việt Đức đến nay  Bệnh viện đa khoa Phú Thọ đã làm chủ được kỹ thuật ghép thận.
Hay đối với kỹ thuật thay chỏm xương và mổ nội soi hiện nay khoảng 80% bệnh viện đã làm được. Đơn cử như tại Bệnh viện đa khoa  huyện biên giới sát Lào của tỉnh Sơn La là Bệnh viện huyện Sốp Cộp đã thực hiện thành công mổ nội soi, không chỉ giúp người dân địa phương mà còn giúp người dân nhiều huyện lân cận, người dân Lào tìm đến phẫu thuật.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám bệnh, Bộ Y tế đánh giá cao những kết quả thực hiện các đề án này của Bệnh viện Việt Đức đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho tuyến dưới, giúp các cơ sở y tế tuyến dưới từng bước làm chủ kỹ thuật của tuyến trên, từ đó nâng cao chất lượng trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh, giúp họ không phải vất vả lên tuyến trên khãm chữa bệnh, đồng thời góp phần thiết thực trong thực hiện giảm tải cho tuyến trên.

Ca mổ từ phòng mổ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình có sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia về chấn thương chỉnh hỉnh của Bệnh viện Việt Đức được truyền hình trực tuyến đến hội nghị

Tuy nhiên, để việc thực hiện hai đề án này thực sự hiệu quả, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, bản thân bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh đều phải nỗ lực hơn nữa, việc chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên về tuyến dưới phải chuyên sâu, tránh tình trạng nửa vời khiến tuyến trên vẫn quá tải mà tuyến dưới cũng chả thay đổi đột phá được; đồng thời việc chuyển giao phải phối hợp với đào tạo để tạo nên tính hiệu quả, bền vững cho tuyến dưới.
Việc chuyển giao kỹ thuật cần theo hướng cầm tay chỉ việc, những cái tuyến dưới thực sự cần và những cái tuyến trên có thế mạnh.

Tại tỉnh Ninh Bình, hiện đang có 5 chuyên ngành vệ tinh cho các bệnh viện tuyến Trung ương, là chấn thương, ung bướu, ngoại, sản và nhi khoa. Đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh, nhờ thực hiện chuyển giao KHKT và là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, những năm qua, Bệnh viện đã giải quyết được nhiều ca bệnh ngoại khoa khó, phức tạp, giúp người bệnh không phải chuyển tuyến, cứu sống hàng nghìn bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tỉnh.


Thái Bình
Ý kiến của bạn