Hà Nội

Bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết do nhập viện ồ ạt

28-06-2022 11:34 | Y tế
google news

SKĐS - Các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM hiện đang bị quá tải vì bệnh nhân mắc sốt xuất huyết dồn dập nhập viện, gây khó khăn cho công tác điều trị.

Phải trưng dụng giường bệnh của khoa khác

Theo ghi nhận, số ca khám và nhập viện tại các bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM đều đang có dấu hiệu tăng liên tục. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, 2 tuần nay, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng vọt. Chỉ trong sáng 27/6, số ca sốt xuất huyết tại bệnh viện là 394 ca, trong đó 27 ca bệnh nặng (10 ca trẻ em, 17 người lớn). Đặc biệt, có 6 ca nặng phải thở máy.

Bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết do nhập viện ồ ạt - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cũng đã có 3 trường hợp tử vong tại bệnh viện. Đáng chú ý, có 7 bệnh nhân quá nặng, đều trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, suy đa tạng, viêm cơ tim, gia đình xin về để lo hậu sự, trong đó có một thai phụ đang mang thai 10 tuần và 2 trẻ em.

Thực tế cho thấy, quá tải là khó khăn nhất hiện nay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Khoa nhiễm D được duyệt công năng điều trị COVID-19 nhưng hiện tại chiếm tới 70 giường là bệnh nhân sốt xuất huyết trong khi bệnh nhân COVID -19 chỉ có 8 người. Các khoa khác (45 giường /khoa) nhưng hiện tại "gánh" 65 bệnh nhân sốt xuất huyết ở mỗi khoa.

Trước số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phải huy động tất cả các khoa Nhiễm. Bao gồm khoa Nhiễm A, Nhiễm D, nhiễm E đều phải nhận bệnh nhân sốt xuất huyết. Mặc dù được phân công điều trị các bệnh truyền nhiễm 550 giường bệnh, thế nhưng hiện tại đơn vị này đang tiếp nhận 739 ca mắc sốt xuất huyết, chưa tính các bệnh lý khác.

Bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết do nhập viện ồ ạt - Ảnh 2.

Khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được duyệt công năng điều trị COVID-19 nhưng hiện tại chiếm tới 70 giường là bệnh nhân sốt xuất huyết.

Ghi nhận trực tiếp cho thấy, Khoa Hồi sức tích cực – chống độc người lớn của bệnh viện này đã quá tải. Trong mỗi phòng, giường bệnh ở đây đều san sát nhau, thậm chí tràn ra cả hành lang. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đã bố trí thêm nhiều giường bệnh sẵn ngoài hành lang để sẵn sàng thu dung điều trị. Ngoài ra, nhiều phòng đều được trang bị hệ thống máy móc dùng để hồi sức, xử trí sốc sốt xuất huyết tại chỗ.

Được biết, khu vực phía Nam hiện có ba bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết cho bệnh nhi nhưng chỉ có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận các ca sốt xuất huyết nặng người lớn. Trong khi đó, số ca mắc sốt xuất huyết người lớn lại có sự gia tăng đột biến trong năm nay, chiếm gần 50% tổng số ca mắc.

BS.CKII Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết: "Hiện tại bệnh viện quá tải bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết nên bây giờ các ca nhập viện sẽ thực hiện chống sốc ở khoa thường luôn chứ không chuyển khoa hồi sức như trước, chỉ trừ các ca phải đặt nội khí quản và thở máy".

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đề nghị chuyển các bệnh nhi qua 3 bệnh viện nhi (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố). Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ tập trung lo điều trị cho người lớn và hỗ trợ chuyên môn chống sốc cho các bệnh viện tuyến trước, tránh chuyển viện không cần thiết lên tuyến trên gây quá tải.

Bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết do nhập viện ồ ạt - Ảnh 3.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Khoa ICU cho trẻ em của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Khẩn trương tìm nguồn thuốc điều trị

Là một trong những tuyến cuối về nhi khoa của TP.HCM và khu vực phía Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận 1.739 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Trong đó khoảng 35% phải nhập viện điều trị với 369 ca sốc sốt xuất huyết. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Theo TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện nay việc thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết của đơn vị vẫn đang được kiểm soát tốt. Bệnh viện sẵn sàng các phương án trong trường hợp các ca bệnh tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện đơn vị này đang gặp khó khăn về nguồn cung ứng thuốc điều trị sốt xuất huyết. Các loại dung dịch cao phân tử sử dụng để điều trị sốt xuất huyết như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 và các thuốc vận mạch (như Dopamin) chưa tìm được nguồn cung ứng. Trong khi đó việc dùng dung dịch cao phân tử HES 130 thay thế để điều trị sốc sốt xuất huyết lại chưa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chấp thuận thanh toán bảo hiểm y tế. Do đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp tìm nguồn cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị thực tế cho người bệnh.

Tương tự, BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, từ đầu năm đến nay, bệnh viện có 4.500 trẻ ngoại trú, gần 2.000 trường hợp nội trú. Hiện tại bệnh viện đang điều trị cho 115 trường hợp sốt xuất huyết. Riêng Khoa Hồi sức tích có 5 trường hợp nặng phải thở máy, khoa Cấp cứu có 8 trường hợp đang điều trị. Bệnh viện có 800 giường bệnh, số ca đang điều trị sốt xuất huyết chiếm 15% số ca bệnh nội trú.

Cũng theo bác sĩ Tiến, với tình hình số ca mắc sốt xuất huyết hiện nay, bệnh viện vẫn "gánh" được, nhưng nếu số ca tăng nữa sẽ quá tải.

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, từ tháng 5, tháng 6, do không có dung dịch Dextran 40 nên bệnh viện đã thay thế dung dịch HES 130 điều trị các ca nặng, sốc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, loại thuốc thay thế này không đạt hiệu quả như mong muốn. Tình hình thiếu thuốc điều trị cũng xảy ra ở các tỉnh khác nên các bệnh viện đã chuyển bệnh nhân lên các tuyến trên. Hiện tại, ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, 80% ca nặng sốt xuất huyết là ở tỉnh khác.

Trước tình hình thực tế trên, ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã yêu cầu Cục Quản lý Dược tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thuốc điều trị sốt xuất huyết cho các cơ sở y tế.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng chỉ đạo Cục Quản lý Dược khẩn trương tìm kiếm nguồn cung thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cấp phép, nhập khẩu, quy định giá… kịp thời cung ứng cho các cơ sở y tế. Trong bối cảnh thuốc điều trị khan hiếm, đứt nguồn cung, các cơ sở y tế cần linh động tìm kiếm nguồn thuốc thay thế, sử dụng phác đồ thay thế nhưng hiệu quả đảm bảo việc cứu chữa cho người bệnh.

Sốt xuất huyết là dịch bệnh xảy ra quanh năm và gia tăng vào mùa mưa. Trong bối cảnh đang vào chu kỳ bùng dịch sốt xuất huyết (3-4 năm một lần), TP.HCM đặt nhiệm vụ phòng chống dịch sốt xuất huyết là quan trọng nên đã đổi tên cơ quan phòng chống COVID-19 tại các quận huyện thành Ban chỉ đạo phòng chống dịch, tập trung vào sốt xuất huyết.

Bé 7 tháng tuổi nguy kịch do gia đình nhầm sốt xuất huyết với rối loạn tiêu hóaBé 7 tháng tuổi nguy kịch do gia đình nhầm sốt xuất huyết với rối loạn tiêu hóa

SKĐS - Bé 7 tháng tuổi mắc sốt xuất huyết nhưng gia đình nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa và cho uống thuốc không rõ loại dẫn tới nhập viện trễ. Trẻ được chuẩn đoán sốc giảm thể tích, tiêu chảy, nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa, sốc sốt xuất huyết Dengue nặng.


Kim Vân
Ý kiến của bạn