Bệnh nhân Đoàn Kim A. 40 tuổi Phú Mậu, Phú Vang được chuyển Bệnh viện Trung ương Huế lúc 8 giờ 50 phút ngày 16/5 /2020.
Tình trạng bệnh nhân choáng nặng, đa chấn thương, huyết áp thấp 50/30 mmHg, chấn thương sọ não nặng, dập phổi 2 bên, chấn thương gan, gãy đa xương, vết thương vùng hàm mặt phức tạp.
Sức khỏe của bệnh nhân đang hồi phục tốt
Trên CT sọ não thấy hình ảnh xuất huyết dưới nhện, vỡ lún xương bản sọ vùng trán. CT phổi có hình ảnh tràn dịch tràn khí màng phổi 2 bên, dập phổi nặng, CT bụng có hình ảnh chấn thương gan. Bệnh nhân có gãy xương cánh tay, xương bả vai, xương đòn kèm vết thương vùng hàm mặt phức tạp.
Bệnh nhân được chuyển lên phòng hồi sức A, khoa Gây mê Hồi sức A tiếp tục hồi sức tích cực. Lãnh đạo xin ý kiến chỉ đạo của GS. TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện về hướng điều trị.
Ngay lập tức hệ thống báo động đỏ toàn bệnh viện được khởi động. Tất cả các khoa liên quan tiến hành hội chẩn với tinh thần khẩn trương, chạy đua với thời gian vì tính mạng bệnh nhân.
Bệnh nhân được đặt dẫn lưu màng phổi hai bên cấp cứu, các khoa ngoại liên quan can thiệp ở mức tối thiểu, ưu tiên hồi sức chống choáng.
Bệnh viện Trung ương Huế đã áp dụng quy trình báo động đỏ phối hợp khẩn cấp cùng lúc nhiều chuyên khoa cứu sống nhiều bệnh nhân qua cơn nguy kịch
Tiếp đó cho người bệnh thở máy bảo vệ phổi, thở máy tư thế nằm sấp, chống phù não, dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp, chuyền máu, tập vận động và phục hồi chức năng sớm, có chế độ dinh dưỡng thích hợp. Những ngày đầu tiên, bệnh nhân tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Tuy nhiên được sự động viên và chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc, tất cả kỹ thuật cao tại khoa được áp dụng để điều trị cho bệnh nhân. Sau 5 ngày, các thông số bắt đầu tốt hơn, oxy máu có cải thiện, huyết áp đã ổn định hơn.
Sau 30 ngày hồi sức rất tích cực phối hợp với các khoa liên quan như Ngoại Thần kinh, Ngoại Lồng ngực Tim mạch, Ngoại nhi Cấp cứu bụng, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Trung tâm Huyết học Truyền máu, Trung tâm Mắt và Trung tâm Răng Hàm Mặt, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, tự thở, hiểu y lệnh, các dấu hiệu sống còn trong giới hạn bình thường.
TS. BS Nguyễn Viết Quang Hiển, Phó Trưởng khoa Gây mê Hồi sức A, cho biết đây là một trường hợp rất hi hữu. Đa số bệnh nhân rơi từ độ cao từ tầng 5 xuống đất đều có nguy cơ tử vong cực kỳ cao.
Riêng trường hợp bệnh nhân Kim Ánh được cứu sống, có nhiều yếu tố ảnh hưởng nhưng chính nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc, sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng của tất cả các khoa trong toàn viện theo quy trình “Báo động đỏ” cũng như sự làm chủ các kỹ thuật cao cấp trong Ngoại khoa, Gây mê và Hồi sức.
Trong vài ngày đến bệnh nhân sẽ tiếp tục được hội chẩn với các khoa liên quan để điều trị dứt điểm các thương tổn đồng thời tăng cường phục hồi chức năng để giúp bệnh nhân sớm phục hồi vận động để có thể ra viện.
GS. TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bệnh viện Trung ương Huế đã xây dựng và áp dụng quy trình báo động đỏ nhằm huy động sự phối hợp khẩn cấp cùng lúc nhiều chuyên khoa trong bệnh viện.
Nhờ vậy rất nhiều trường hợp bệnh nhân nặng vào khoa cấp cứu đa khoa đã ngay lập tức được chẩn đoán, hồi sức và làm các thủ thuật cần thiết với tinh thần khẩn trương nhất nhằm đạt hiệu quả cứu sống bệnh nhân cao nhất.
Đồng thời đội ngũ y bác sĩ của viện có chuyên môn vững vàng, nắm và triển khai rất nhiều kỹ thuật hiện đại và khó ngang tầm 2 đầu đất nước và quốc tế.
Nhờ vậy đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ trong chuyên môn, cứu sống rất nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh. Trong thời gian tới bệnh viện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân viên và hoàn thiện hơn nữa quy trình báo động đỏ nội viện để phát huy cao độ chức năng nhiệm vụ cứu chữa những bệnh nhân nặng”.