Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 “Chia lửa” cho bệnh viện chính

27-10-2017 07:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sau một năm thành lập, Bệnh viện Trung ương Huế - Cơ sở 2 (tiếp nhận từ BVĐK tỉnh Thừa Thiên Huế) đã từng bước phát triển vững chắc và có những đột phá ngoạn mục với việc thực hiện những dịch vụ kỹ thuật cao,

từng bước hoàn thiện công tác chăm sóc và điều trị cũng như tạo một môi trường tiện nghi cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân địa bàn phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh... Phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS.TS. Phạm Như Hiệp - Giám đốc BVTW Huế về hoạt động của cơ sở 2 này.

PV: Thưa ông, đã 1 năm sau khi tiếp nhận BVĐK tỉnh Thừa Thiên về là cơ sở 2 của BVTW Huế, nhìn lại 1 năm qua, quả thực cơ sở 2 của bệnh viện đã có bước phát triển rất dài?

PGS.TS. Phạm Như Hiệp: Trước tháng 10/2016, mặc dù với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại của Hàn Quốc trang bị cho 500 giường bệnh nhưng BVĐK (cũ) chưa thu hút được nhân lực, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật cao, nên bệnh viện chỉ hoạt động như một bệnh viện khu vực thuộc tỉnh, công suất sử dụng giường bệnh đạt 74,3%.

Sau khi tiếp nhận, với quyết tâm của Ban giám đốc BVTW Huế cùng sự đồng lòng của tập thể cán bộ công nhân viên chức của BVTW Huế, một đội ngũ gồm 329 cán bộ, nhiều chuyên gia giỏi của BVTW Huế đã về hỗ trợ cho cơ sở 2 của bệnh viện. Ngoài ra bệnh viện còn được Bộ Y tế và Chính phủ Hàn Quốc trang bị thêm các máy móc hiện đại như máy phẫu thuật nội soi 3D, máy siêu âm màu 4D, thận nhân tạo, các máy phục hồi chức năng hiện đại...

Các kỹ thuật cao và mới được thực hiện thường quy tại cơ sở như nội soi ngược dòng tán sỏi niệu quản bằng laser, phẫu thuật nội soi cắt túi mật, cắt đại trực tràng, dạ dày, tuyến giáp..., nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi mật, tái tạo dây chằng khớp gối qua nội soi, tán sỏi thận, niệu quản ngoài cơ thể, mổ mắt bằng phương pháp Phaco, cắt thùy dưới phổi kèm khối u, kết hợp xương dưới màng tăng sáng, phẫu thuật kết hợp xương cột sống, phẫu thuật sọ não, phẫu thuật thay khớp háng, điều trị bệnh nhân ung thư đa mô thức,... Nhờ vậy, đến nay BV Trung ương Huế cơ sở 2 tuy chỉ tiêu 500 giường bệnh kế hoạch, nhưng số lượng bệnh nhân nội trú trên 500 bệnh/ngày, công suất sử dụng giường bệnh có khi lên tới 120% và số lượng bệnh nhân ngoại trú trên 400 lượt/ngày.PGS.TS Phạm Như Hiệp.

PGS.TS Phạm Như Hiệp.

PV: Nguồn lực của BVTW Huế hỗ trợ cho cơ sở 2 của bệnh viện cũng không phải là ít mà nhờ vậy đã thu hút được bệnh nhân đến điều trị cho dù cách khá xa trung tâm TP. Huế?

PGS.TS. Phạm Như Hiệp: Phải nói rõ rằng, BVĐK tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) được đầu tư rất khang trang và hiện đại. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng dành nhiều sự quan tâm cho bệnh viện về con người, vật chất... nhưng theo chúng tôi đánh giá là để bệnh viện thu hút được bệnh nhân thì cần phải có một thương hiệu mạnh và việc chuyển giao BVĐK tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) giao cho BV Trung ương Huế trở thành cơ sở 2 là chủ trương hoàn toàn đúng đắn để phục vụ nhân dân khu vực phía Bắc của tỉnh đang rất thiếu thốn nhu cầu khám chữa bệnh kỹ thuật cao. Ngoài việc huy động cán bộ chuyên môn giỏi, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, tỉnh Thừa Thiên Huế và các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mới đây nhất, Bệnh viện Ohyama - Nhật Bản đã trao tặng máy Phaco hiện đại cho Khoa Mắt - BVTW Huế cơ sở 2. Bệnh viện đang xúc tiến dự án thành lập các trung tâm: Trung tâm Công nghệ Sinh học; Trung tâm Cấp cứu và phòng chống thảm họa; Trung tâm ghép tạng... Bệnh viện sẽ còn tiếp tục đầu tư các máy móc hiện đại khác như MRI, DSA... để phục vụ công tác chuyên môn. Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hỗ trợ thêm cơ chế, hạ tầng... để mở rộng quy mô.

Nhờ nguồn lực đầu tư mạnh mẽ như đã nói, cơ sở 2 của BVTW Huế đã từng bước đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh kỹ thuật cao của người dân trong khu vực phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế và một phần các tỉnh lân cận.

PV: Và cũng từ khi tiếp nhận cơ sở 2 đã giảm áp lực lên cơ sở chính của bệnh viện trong trung tâm thành phố, thưa ông?

PGS.TS. Phạm Như Hiệp: Đúng là như vậy, từ khi tiếp nhận cơ sở 2, BVTW Huế ở trong trung tâm TP Huế đã được giảm áp lực người bệnh đổ dồn về. Người dân khu vực phía Bắc của tỉnh và các tỉnh phía Bắc miền Trung cũng không phải vào TP Huế mới được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Một số bệnh nhân đông, thường xuyên quá tải ở khoa hồi sức cấp cứu, các khoa hệ ngoại, sau khi xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị qua giai đoạn nặng sẽ chuyển đến điều trị tại BVTW Huế cơ sở 2.


PV (thực hiện)
Ý kiến của bạn
Tags: