Bệnh viện Trung ương đầu tiên thực hiện bệnh án điện tử, tiến tới bệnh viện thông minh

03-10-2021 21:42 | Y tế

SKĐS - Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội (BV RHMTƯHN) là bệnh viện tuyến Trung ương đầu tiên hoàn thiện các phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử để lưu trữ truyền tải hình ảnh, hệ thống thông tin và chính thức "khai tử" bệnh án giấy.

Nhân dịp này phóng viên Báo SK&ĐS có cuộc gặp gỡ PGS.TS. Trần Cao Bính- Giám đốc BVRHMTƯHN để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Người bệnh được hưởng lợi gì từ bệnh án điện tử?

Phóng viên: Thưa PGS, ông có thể chia sẻ cho độc giả Báo SK&ĐS biết, khi chuyển sang công nghệ số người bệnh được hưởng những quyền lợi gì?

PGS.TS. Trần Cao Bính: Câu hỏi của bạn rất hay và đây cũng là một trong những nội dung chuyển đổi số quốc gia, là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta nhằm đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tiến tới bệnh viện thông minh

Từ mục tiêu chính là triển khai bệnh án điện tử, BVRMTƯHN đã từng bước tiếp cận thực hiện. Gần một năm nay BV đã đưa vào triển khai, thực hiện và thấy hiệu quả rất rõ rệt, đem lại sự hài lòng cho người bệnh, đặc biệt nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

photo-1633267141428

PGS.TS. Trần Cao Bính phát biểu tại buổi thẩm định bệnh án điện tử.

Khi chuyển đổi sang công nghệ số người bệnh được hưởng rất nhiều lợi ích như làm các thủ tục đơn giản, khi tái khám tất cả thông tin điều trị của bệnh nhân trong đợt khám chữa lần trước đã được lưu lại, bác sĩ chỉ cần nhập mã bệnh án là các thông tin hiện ra, giúp ích rất nhiều cho bác sĩ trong chẩn đoán điều trị.

Còn với người bệnh, khi đến bệnh viện khám chữa bệnh không phải mang sổ khám bệnh, các giấy tờ xét nghiệm, chụp phim, hay toa thuốc... đã điều trị trước đây. Thông qua bệnh án điện tử bác sĩ sẽ cập nhật được tiền sử bệnh tật của bệnh nhân, từ đó sẽ có phương án điều trị thích hợp.

Yếu tố để thực hiện thành công bệnh án điện tử

Phóng viên: Là bệnh viện Trung ương đầu tiên triển khai bệnh án điện tử, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm, những yếu tố để thực hiện thành công?

PGS.TS. Trần Cao Bính: Thứ nhất là từ nhận thức của Ban lãnh đạo bệnh viện, nếu không có sự đồng lòng, chung tay và thấu hiểu lợi ích của việc làm này từ tập thể cán bộ, nhân viên thì việc triển khai cũng khó có thể thực hiện được. Chính vì có sự đoàn kết nhất trí cao của tập thể cán bộ nhân viên đã tạo nên sự đồng thuận. Đây là một trong những vấn đề lớn nhất để chuyển đổi lề lối làm việc, chuyển hẳn sang nền tảng số.

Thứ hai, bệnh viện đã đào tạo đội ngũ nhân lực, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị. Các hệ thống đã được kết nối và chạy tương đối đồng bộ. Ngoài hệ thống máy tính sẵn có từ trước, bệnh viện còn trang bị thêm một số máy tính để bàn cho các khoa phòng. Hệ thống phòng máy chủ, phòng điều hành tập trung, hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng Thông tư số 54/2017/TT-BYT.

Phóng viên: Như PGS. vừa chia sẻ, việc chuyển đổi các quy trình khám bệnh từ giấy sang số, nhiều bệnh viện đang ngại ứng dụng. Vậy ông thấy việc ứng dụng công nghệ số vào quy trình bệnh viện có phức tạp?

PGS.TS. Trần Cao Bính: Để thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi đã phải làm rất nhiều việc.

Thứ nhất, bệnh viện phải hoàn thiện quy trình khám chữa bệnh chuẩn, vấn đề nhận thức của tập thể cán bộ nhân viên. Đây là cái khó nhất, là rào cản lớn nhất khi chuyển đổi sang mô hình khác. 

Giai đoạn đầu bệnh viện đã cử cán bộ đi học hỏi kinh nghiệm từ các bệnh viện khác trong và ngoài nước, cùng các tổ chức quốc tế trao đổi về chuyển đổi số - một trong những xu hướng quan trọng, tất yếu trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế.

Mục tiêu quan trọng nhất của bệnh án điện tử – nền móng cho chuyển đổi số y tế là phục vụ người dân tốt hơn, tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi hơn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Thứ hai, đối với người bệnh, tăng sự hài lòng. Trong sự hài lòng có cả tăng cường chất lượng khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học, đào tạo và nhằm mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ cho bệnh nhân. Đây là tiền đề hướng tới bệnh viện thông minh.

photo-1633267143611

Hình ảnh phim chụp 3D được lưu giữ trong bệnh án điện tử.

Phóng viên: Hiện tại về cơ bản, bệnh viện đã hoàn thành đề án đào tạo này, bước tiếp theo như nâng cấp hoặc cải thiện quy trình sẽ được thực hiện như thế nào, thưa PGS.?

PGS.TS. Trần Cao Bính: Quy trình khám chữa bệnh thưởng xuyên phải thay đổi theo thời gian trên nền tảng đã có sẵn. Bệnh viện sẽ cập nhật thường xuyên quy trình tiên tiến cùng với sự phát triển của bệnh viện. 

Nhằm phục vụ tốt hơn cho người bệnh, BV đã tiến hành tích hợp hệ thống wifi. Bệnh nhân có thể ngồi bất cứ chỗ nào trong khuôn viên của bệnh viện vào wifi miễn phí. Bệnh viện thông minh hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tạo môi trường thuận lợi nhất cho người dân, hướng tới một mô hình bệnh viện "không giấy tờ".

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác chuyên môn, quản lý, áp dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu khám chữa bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi cho người dân, tạo sự minh bạch hóa thông tin và phát huy hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị của đội ngũ y, bác sĩ là những lợi ích tối ưu khi triển khai bệnh án điện tử mà BVRHMTƯHN hướng tới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.!

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thủ tướng chỉ đạo khẩn: Thống nhất việc lưu thông hàng hóa để phục hồi kinh tế.


Song Anh (thực hiện)
Ý kiến của bạn