Hà Nội

Bệnh viện trang bị điều hòa 2 chiều, máy sưởi chống rét thấu xương cho bệnh nhân

01-01-2019 07:05 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Rét buốt khắc nghiệt trong những ngày vừa qua khiến nhiều người khỏe mạnh cũng cảm thấy ngán ngẩm. Tại các bệnh viện, dù phải đón năm mới trong bệnh viện nhưng bệnh nhân vẫn cảm thấy vô cùng ấm áp vì được quan tâm chu đáo, phòng bệnh được trang bị điều hòa 2 chiều, máy sưởi đầy đủ.

Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trong những ngày Hà Nội rét tê tái đến 8-9 độ C, người bệnh vẫn cảm thấy vô cùng ấm áp, vì tất cả 100% buồng bệnh nơi đây đã được Viện trang bị đầy đủ điều hòa nhiệt độ hai chiều (nóng và lạnh), nước nóng và chăn ấm.

Được biết, không chỉ mùa đông mà cả mùa hè, tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, hệ thống điều hòa nhiệt độ luôn ở trong trạng thái sẵn sàng phục vụ người bệnh trong bất kỳ hoàn cảnh thời tiết nào. Bên cạnh đó, Viện còn trang bị hệ thống nước lọc nóng – lạnh đạt tiêu chuẩn ở tất cả các khoa điều trị để người bệnh – người nhà người bệnh có thể sử dụng trực tiếp khi có nhu cần.

Việc trang bị điều hòa nhiệt độ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương không chỉ năm nay mới có, mà ngay từ khi xây dựng và đưa vào hoạt động (năm 2010) thì hệ thống điều hòa nhiệt độ hai chiều đã được lãnh đạo Viện trang bị rất đồng bộ và hiện đại.

Bệnh nhân tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phấn khởi vì được quan tâm chu đáo.

Đơn vị bảo trì hệ thống điều hòa - điện đang tiến hành kiểm tra định kỳ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt trong thời tiết khắc nghiệt này (ảnh chụp sáng ngày 31/12/2018).

ThS.KS. Nguyễn Quốc Khánh - Trưởng phòng Vật tư thiết bị Y tế của Viện chia sẻ: Năm 2018, bên cạnh việc thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điều hào nhiệt độ thông suốt cả hai chiều thì Viện đã tăng cường đầu tư thêm 4 tổ máy đun nước nóng nâng tổng số tổ máy đun nước nóng của Viện lên 8 tổ để phục vụ người bệnh trong dịp mùa đông lạnh giá này.

"Hiện tại toàn Viện đã được trang bị hệ thống nước nóng phục vụ người bệnh 24/24 để người bệnh không bị lạnh khi có nhu cầu tắm rửa, vệ sinh cá nhân trong thời khắc nghiệt này giá này"- ThS. Khánh nói.

Điều dưỡng trưỡng Nguyễn Thị Hoa Yên – Khoa Điều trị hóa chất (H7) cho biết, Khoa đã chuẩn bị sẵn sàng đủ chăn ấm để đề phòng nhiệt đổ xuống quá thấp, chúng tôi sẽ trang bị cho bệnh nhân, để người bệnh có đủ chăn ấm yên tâm điều trị trong mùa đông này.

Buồng bệnh tại Bệnh viện Da liễu Trung ương được trang bị đầy đủ quạt sưởi, chăn ấm, buồng bệnh kín đáo tránh gió lùa. Ảnh: Viễn Phương


Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại trong những ngày qua, bệnh viện đã tăng cường điều hòa, quạt sưởi, chăn ấm cho các phòng bệnh.

Trước đó, ngay từ đầu mùa đông, bệnh viện đã sẵn sàng các phương tiện đảm bảo đủ ấm cho bệnh nhân, buồng bệnh kín đáo tránh gió lùa. Các khoa, phòng của bệnh viện này đều rà soát, cấp đủ chăn ấm và duy trì các thiết bị giữ ấm cho bệnh nhân nội trú.

TS.BS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương thăm hỏi bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.


Các khoa, phòng ở Bệnh viện Lão khoa Trung ương - nơi tập trung đông các bệnh nhân cao tuổi được Giám đốc bệnh viện TS.BS Nguyễn Trung Anh đặc biệt quan tâm chỉ đạo trang bị hệ thống điều hòa hai chiều, nhiệt độ ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Đặc biệt trong những ngày nghỉ lễ rét đậm này, bệnh viện tăng cường các thiết bị sưởi ấm (như quạt sưởi, chăn ấm...) cho bệnh nhân, buồng bệnh.

Không những thế, theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Trưởng phòng Hành chính - Quản trị, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện luôn phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ điều trị để tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân một cách tốt nhất, cung cấp suất ăn đến tận giường bệnh cho bệnh nhân nặng, hỗ trợ việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Các bác sĩ khi khám và điều trị cũng lưu ý đến bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân cao tuổi và những trường hợp tăng huyết áp cách phòng chống rét, nguy cơ đột quỵ do trời lạnh cũng như kiểm soát tốt huyết áp.

Đặc biệt chú ý phòng bệnh cho người già, trẻ nhỏ

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, rét đậm rét hại vẫn tiếp tục kéo dài ở các tỉnh Bắc Bộ và rét đậm ở Bắc Trung Bộ. Thời tiết rét kỷ lục dưới 10 độ C trong những ngày qua đã gây cản trở lớn cho cuộc sống sinh hoạt và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân - nhất là người già và trẻ nhỏ.

Để giữ ấm cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh trong mùa đông và khi thời tiết lạnh phải thường xuyên mặc quần áo đủ ấm, đi tất cho trẻ. Khi đi ngủ đắp chăn đủ ấm cho trẻ, tuy nhiên không đắp quá nhiều chăn, làm cho trẻ toát mồ hôi, sẽ dễ gây cảm lạnh và bị bệnh. Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ hoặc người lớn đang có dấu hiệu bị các bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người.

Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Khi trẻ có các dấu hiệu ho, sốt… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Bác sĩ đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân.

Với người lớn tuổi, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... GS.TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đội quỵ Việt Nam cho biết, thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột khiến cho các mạch máu co lại, lượng máu lên não giảm làm gia tăng đột quỵ. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân đột quỵ có thể tử vong hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề.

Để phòng bệnh đột quỵ, GS.TS Nguyễn Văn Thông khuyến cáo, người dân cần tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi ngày); giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá.

Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ (nhất là ở người già), không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi...

PGS.TS Chu Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rét đậm rét hại khiến nhiều bệnh nhân nhập viện vì đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và phải thở máy. PGS. Hạnh khuyến cáo, trong thời tiết rét mướt như hiện nay, bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý giữ ấm cơ thể, mặc áo ấm, tất ấm, khăn quàng ấm và tuyệt đối không đi thể dục ngoài trời lúc 5 - 6 giờ sáng.

Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị, kỹ thuật dùng thuốc đúng cách, dinh dưỡng đầy đủ, tiêm dự phòng vắc xin cúm, tránh xa các yếu tố nguy cơ (thuốc lá, khói bụi, khói than...) bệnh nhân COPD sẽ ổn định, giảm nguy cơ lên đợt cấp nguy hiểm.


Dương Hải
Ý kiến của bạn