Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 18/9/2015, anh Phạm Viết Thành (42 tuổi, ở Thanh Chương, Nghệ An) đang xẻ gỗ không may bị máy cưa cắt vào bàn tay phải, đứt lìa ngón 1 và gần lìa ngón 2 của bàn tay phải. Người nhà anh Thành băng bó rồi vội đưa vào BVĐK huyện Thanh Chương cấp cứu. Các thầy thuốc ở đây đã khẩn trương sơ cứu và cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An, anh Thành đã được nối ngón tay sau 8 tiếng nỗ lực của các thầy thuốc tuyến tỉnh.
Ngón tay sau khi được nối.
Nhận được điện thoại của tuyến dưới, BV Chấn thương chỉnh hình Nghệ An khẩn trương chuẩn bị trang thiết bị và con người cần thiết để phục vụ cuộc mổ. Qua thăm khám, bàn tay phải của anh Thành đã gần như đứt lìa ngón cái và trỏ. Kíp mổ gồm BS. Nguyễn Duy Quyết và BS. Võ Ngọc Thái cùng êkíp gây mê hồi sức. Các thầy thuốc đã nối ngón tay đứt lìa bằng kỹ thuật vi phẫu (kết hợp xương, nối gân, nối mạch máu, thần kinh bằng kính hiển vi). Sau 8 giờ, ca mổ kết thúc. 2 ngón tay sống lại, đầu ngón tay hồng hào, rỉ máu tốt. Đến nay bước sang ngày thứ 7 sau ca nối, ngón tay tiến triển sống tốt, ngón hồng hào, không có hiện tượng hoại tử mép da hay ứ máu.
Các thầy thuốc thực hiện vi phẫu nối ngón tay cho bệnh nhân.
Được biết đây là ca nối ngón tay đứt lìa thành công thứ hai (cách đây 3 tháng bệnh viện cũng đã nối thành công 1 ca đứt ngón tay cái). Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An đã tiến hành nối ghép thành công nhiều ca tổn thương mạch máu, thần kinh ở tay, chân. Những trường hợp như vậy trước đây phải chuyển lên tuyến Trung ương, thời gian vận chuyển lâu (từ Nghệ An ra đến Hà Nội khoảng 7 giờ) nên nhiều trường hợp không thể bảo tồn được, phải cắt cụt.
Được thành lập vào năm 2012, thuở ban đầu sơ khai là Khoa Chấn thương của BVĐK Hữu nghị Nghệ An, chính thức hoạt động độc lập vào tháng 10/2014 nhưng Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình Nghệ An đã có chiến lược đào tạo, gửi các bác sĩ, êkíp mổ đi học ở các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP.HCM về các chuyên khoa sâu. Hiện tại, bệnh viện đã tự làm chủ được nhiều kỹ thuật khó như: thay khớp háng, khớp gối, vi phẫu chuyển vạt da, vi phẫu nối - ghép mạch máu thần kinh, nội soi khớp, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, hẹp ống sống, chấn thương cột sống - tủy sống và u não, vì vậy, người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên.
Bài, ảnh: Thanh Huyền