LTS: Khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi nhận được tin vào hồi 14 giờ ngày 16/2/2011, Thiếu tướng Phùng Đình Ấm đã đi xa, như ông từng nói là ông“ về với các cụ Mác- Lênin và Bác Hồ vĩ đại”. Bài báo này có thể là những dòng viết cuối cùng của tác giả và báo Sức khỏe& đời sống xin thay mặt ông gửi tới bạn đọc và những người thầy thuốc và bệnh viện mà ông yêu mến.
Là một cán bộ tiền khởi nghĩa và là một tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, qua nửa thế kỷ trong quân ngũ, công tác và chiến đấu trải qua nhiều chiến trường gian khổ, đến tuổi về hưu, mang trên mình nhiều bệnh tật, có bệnh thuộc loại hiểm nghèo, nhờ có Bệnh viện Thống Nhất mà tôi vượt qua, đến nay đã ở tuổi 83, ngồi viết mấy dòng chữ trong những ngày Xuân Tân Mão.
Bệnh viện Thống Nhất hiện nay. |
Lần thứ hai, năm 2005, tôi bị suy thận mạn, sức khỏe tôi suy sụp, lại vào Bệnh viện Thống Nhất điều trị bằng phương pháp lọc máu thận nhân tạo. Ở đây, tôi được bác sĩ trưởng khoa thận Nguyễn Văn Bách và các bác sĩ Khoa thận tận tình, chu đáo, vừa lọc thận vừa điều trị, sức khỏe tôi dần dần ổn định và hồi phục, kéo dài nay đã 6 năm. Trong lúc đang điều trị bệnh hiểm nghèo suy thận mạn, năm 2007, tôi bị nhiễm trùng máu, nhờ có nữ bác sĩ Khê và tập thể Khoa AI của Bệnh viện Thống Nhất tận tình điều trị, sau 2 tháng, tôi xuất viện với sức khỏe hồi phục. Lần nữa tôi ghi ơn bệnh viện.
Năm 2009 - năm cả nước kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn, là một thành viên trong công cuộc mở đường đầu tiên từ năm 1959 – 1960, đặc biệt là đoạn đường cuối dãy Trường Sơn nối liền hai chiến trường Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tôi hăng hái tham gia các cuộc họp truyền thống, viết báo cáo cho một số tờ báo nói về lịch sử ngày mở đường, là chủ biên, tôi gấp rút hoàn thành cuốn sử “Mở đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ” và viết báo tham khảo để đọc trước cuộc dự thảo lớn do Bộ Tư Lệnh Quân khu 7 và Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức về nội dung cuộc mở đường đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ, hoàn chỉnh con đường chiến lược mang tên Bác Hồ trong chống Mỹ cứu nước vào ngày 29/5/2009 tại Đồng Xoài. Rủi thay, bản tham luận tôi không được trực tiếp đọc mà phải do người khác đọc thay trước cuộc hội thảo. Vì trước đó 1 ngày, tôi bị nhồi máu cơ tim, vào cấp cứu ở Bệnh Viện Thống Nhất. Ở đây, bác sĩ Bệnh viện phát hiện ngoài nhồi máu cơ tim, tôi còn thêm bệnh tràn dịch phổi và bệnh thận cũng có cơ nguy hiểm hơn.Thế là cùng lúc 3 căn bệnh hiểm nghèo tấn công vào con người tôi “tim nghẽn, thận teo, phổi tràn dịch” mà trọng điểm là nhồi máu cơ tim, phải đến 3 lần cấp cứu mới qua được nguy hiểm, tính mạng tôi lúc đó như nghìn cân treo sợi tóc.Tưởng rằng đã đến lúc đi theo các cụ Mác-Lênin và Bác Hồ vĩ đại về nơi chín suối, nhưng kỹ thuật y học hiện đại cùng tinh thần tận tụy và y đức cao cả của đội ngũ bác sĩ, y sĩ, hộ lý của bệnh viện mà trực tiếp là Giám đốc Bệnh viện GS.TS.BS. Nguyễn Đức Đông; Phó Giám đốc Trưởng khoa Tim mạch, TS.BS. Hồ Thượng Dũng; Trưởng khoa Thận Nguyễn Văn Bách cùng y bác sĩ hai khoa nói trên đã giúp tôi qua cơn nguy hiểm. Sau hơn 1 tháng được điều trị tích cực tại BV Thống Nhất, tôi trở về gia đình. Sống với gia đình hơn 1 năm qua, tôi vẫn thường xuyên tập thể dục, đi bộ, viết báo, viết sách và vui cùng con cháu.
Một lần nữa, tôi vô cùng biết ơn Bệnh viện Thống Nhất, các bác sĩ, y sĩ, nhân viên bệnh viện với tinh thần lương y như từ mẫu đã tận tình cứu chữa cho tôi thoát khỏi bàn tay tử thần, đưa tôi từ cõi chết trở về với gia đình. Trong những ngày còn sống vui cùng các con cháu, tôi luôn tôn vinh Bệnh viện Thống Nhất như là 1 “đại ân nhân” và tôi tin rằng không phải riêng tôi mà Bệnh viện Thống Nhất cũng là ân nhân của hàng nghìn bệnh nhân khác, đặc biệt là các bậc lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, tướng lĩnh, các cán bộ khác đã được Bệnh viện Thống Nhất cứu chữa, là chỗ dựa sức khỏe của họ trong những ngày cuối đời.
Được biết, tiền thân của Bệnh viện Thống Nhất ngày nay là Bệnh viện K71 của quân giải phóng miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một bệnh viện đã có truyền thống xuất sắc trong cứu chữa thương bệnh binh, là nơi tin cậy của quân giải phóng. Ngày nay, Bệnh viện Thống Nhất đã kế thừa và phát huy truyền thống đó trong tình hình mới với những bước tiến mới của y học nước nhà, tôi tin tập thể thầy thuốc Bệnh viện Thống Nhất nhất định sẽ lập được những thành tựu huy hoàng hơn.
29 Tết Tân Mão – 2011
Thiếu tướng Phùng Đình Ấm