Bệnh viện quá tải vì đâu?

17-10-2013 15:37 | Quốc tế

Trước thực trạng bệnh viện Việt Nam quá tải mức ở cao, bạn Nguyễn Quảng - một độc giả của BBC đã có bài viết phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Báo SK&DS xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Trước thực trạng bệnh viện Việt Nam quá tải mức ở cao, bạn Nguyễn Quang - một độc giả của BBC đã có bài viết phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Báo SK&DS xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Đầu tiên là tiền dành cho y tế không nhiều. Thu ngân sách năm 2012 khoảng 607,844 tỷ VND tương đương 30 tỷ USD. Chi cho y tế 7% tương đương 2,1 tỷ USD. 90 triệu nhân dân chỉ đạt khoảng 23 USD cho một người/năm. Con số này bên Mỹ là 8.000 USD /người/năm. Một bác sĩ sau 6 năm đại học khi khám bệnh được trả khoảng 10.000 VND/bệnh nhân, kém cả 1 anh làm nghề sửa xe vá 1 săm xe máy.

Tiền ít như vậy, nhưng hàng năm Việt Nam đối mặt với rất nhiều vấn đề gia tăng.

Dân số tăng nhanh, chỉ riêng tiền tiêm vaccin cho trẻ đã tốn khoản không nhỏ. Rồi sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ mang thai, mà những người đẻ nhiều thường ở khu vực nông thôn, nơi thường xuyên không đủ các tiện nghi tối thiểu.

Dân, nhất là thanh niên cũng không chịu nhường nhịn. Ví dụ như vụ đâm chém chết người và đông người vào viện gây rối đòi chém người bị thương đang chữa trị và đuổi đánh bác sĩ gần đây nhất. Nguyên nhân chỉ là một cái nhìn đểu. Chỉ lướt qua các báo hàng ngày, rất nhiều vụ đâm chém nhau có nguyên nhân rất nhỏ, nhưng không ai nhường ai.

Bệnh viện quá tải vì đâu? 1
 Tai nạn giao thông - Một trong những nguyên nahân dẫn tới tình trạng quá tải bệnh viện. Ảnh: TM

Tai nạn lao động cũng rất nhiều. Một năm có 40 nghìn vụ tai nạn, dẫn đầu là mỏ, xây dựng và hóa chất. Phần nhiều đều do các công nhân chủ quan. Vụ 6 người chết ngạt gần đây đều do chủ quan và thiếu đào tạo chuyên môn.

Xe máy cũng là nguyên nhân. Việc thi lấy bằng quá dễ dàng chỉ với đi hình số 8 là quá đơn giản. Trong khi cần nhiều kỹ năng hơn như nhường đường, chuyển hướng, quan sát... Một năm trên 10 nghìn người chết và gần gấp 4 chừng đó bị thương do tai nạn giao thông. Ví như muốn cấm xe máy thì gần chắc đến 95% người đang sử dụng xe máy sẽ phản đối rằng: "Cấm thì tôi đi bằng gì?".

Và khí thải của 37 triệu xe máy trên cả nước cũng làm tăng thêm các bệnh về hô hấp. Y tế lại phải gồng mình gánh.

Thực phẩm nhiễm độc là vấn đề lớn. Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm có khoảng 200 nghìn người bị ung thư và tử vong đến trên 150 nghìn. 70 nghìn người trong số đó bị bệnh do liên quan đến sử dụng thực phẩm độc hại.

Mà nhiễm độc do đâu? Báo chí gần như ngày nào cũng đưa tin về những tiểu thương nhúng hoa quả quá nhiều thuốc bảo quản, là những nông dân bơm quá nhiều thuốc trừ sâu, thuốc kích thích vào rau quả, quá nhiều chất tăng trọng và chất tạo nạc cho gia súc..., họ thậm chí không dám ăn thứ mình bán mà nuôi trồng riêng thứ gia đình sẽ ăn. Nhưng rất nhiều người nghĩ và làm giống họ, thành ra thực phẩm nào cũng dư lượng thuốc bảo quản quá ngưỡng cho phép nhiều lần. Các gia đình thành phố có điều kiện thường mua 1 nông trại thuê người tự trồng trọt chăn nuôi, họ không dám mua đồ ngoài chợ nữa.

Nhiều người vẫn có thói quen ăn uống hàng rong ngoài vỉa hè và mua bán nơi chợ cóc họp lề đường bụi bặm, nơi những thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ được bán.

Uống bia rượu cũng là nguyên nhân. Nếu buổi chiều đi dọc các phố bất kỳ ở Hà Nội đều có thể gặp quán bia rượu với vô số người ồn ào chạm cốc. Bao nhiều người trong số họ sẽ xô xát hoặc say sưa đi xe máy va chạm cột đèn gốc cây hay phương tiện khác? Và dù không sao thì bia rượu thường xuyên cũng gây bệnh về gan hoặc gút và lại bệnh viện đón chào!

(Theo BBC)

Nguyễn Quảng (Gửi cho BBC từ Milton Keynes, Anh quốc)


Ý kiến của bạn