Bệnh viện ở TPHCM có tỷ lệ cứu sống ngưng tim ngoại viện lên tới hơn 70%

03-08-2024 19:33 | Y tế
google news

SKĐS - Từ cuối năm 2023 đến nay, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cứu sống 5/7 ca ngưng tim ngoại viện, tương ứng hơn 70%. Đây là tỉ lệ hiếm có khi phần lớn ngưng tim ngoại viện chỉ có 10% cứu được.

Đây là thông tin bên lề Hội nghị khoa học của Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức ngày 3/8.

ThS.BS Giang Minh Nhật - Phó trưởng Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết, ngưng tim ngoại viện (OHCA) là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Tình trạng "đột tử do tim" chiếm đến gần 50% số người tử vong do tim mạch.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận nhiều ca ngưng tim ngoại viện đáng lưu ý. Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân nam 39 tuổi đang chơi đá bóng đột ngột ngã gục, ngưng tim, được đưa đến bệnh viện cấp cứu với chẩn đoán đột tử do đột biến gene.

Thời gian bệnh nhân được đưa đến bệnh viện khoảng 15 phút sau ngưng tim. Bệnh nhân đã hết nguy kịch sau 48 giờ can thiệp và ra khỏi phòng hồi sức tích cực sau 6 ngày.

Bệnh viện ở TPHCM có tỷ lệ cứu sống ngưng tim ngoại viện lên tới hơn 70%- Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định thăm khám cho bệnh nhân bị ngưng tim khi đang chơi đá bóng. Ảnh: Bích Hạnh

Trường hợp thứ hai là cụ ông 76 tuổi, có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Bệnh nhân khi đang đứng trên vỉa hè trước nhà, chuẩn bị đi công việc thì ngã xuống đất. Người nhà thấy không cử động nên "đâm kim đầu ngón tay", sau 10 phút không thấy người bệnh tỉnh táo lại thì đưa đi bệnh viện. Tổng thời gian 20 phút, người bệnh mới được đưa đến bệnh viện.

Theo bác sĩ Giang Minh Nhật, hội chứng sau ngưng tim có cơ chế bệnh sinh phức tạp. Việc đánh giá tiên lượng thần kinh và tiên lượng sống còn giai đoạn sớm sau ngưng tim cần phối hợp nhiều phương thức và thực hiện tại các thời điểm thích hợp. Việc tầm soát nguyên nhân ngừng tim giúp dự phòng thứ phát biến cố tương lai.

Thông thường, những trường hợp ngưng tim ngoại viện, tỉ lệ hồi sức chỉ 10% là được cứu sống. Hầu hết, các trường hợp ngưng tim ngoại viện rất khó trong việc hồi sức chuyên sâu để đảm bảo không tốn công nhiều, để tránh tổn thương não, xác định được nguyên nhân... dự phòng tái phát.

Tỉ lệ tử vong phụ thuộc vào thời gian kể từ khi ngưng tim đến khi được phát hiện và được hồi sức tim phổi (CPR). Đối với thời gian CPR được cứu sống sau 16 phút thì người bệnh dễ phải sống cuộc sống thực vật.

Cứu sống ngoạn mục bé gái viêm cơ tim tối cấp bị ngưng tim 60 phútCứu sống ngoạn mục bé gái viêm cơ tim tối cấp bị ngưng tim 60 phút

SKĐS - Bé gái 6 tuổi đau bụng, nôn ói 3 ngày, đột ngột ngưng tim 60 phút được chẩn đoán sốc tim, suy tim cấp, viêm cơ tim tối cấp, viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục và không có di chứng.


Kim Vân
Ý kiến của bạn