Thành lập trong lúc đất nước trải qua bao thăng trầm biến động, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (BVNTTW) từ những ngày đầu non trẻ, vượt qua những khó khăn từ nhân lực tới cơ sở vật chất, đến nay, sau 45 năm, bệnh viện đã có những kết quả xứng đáng với bao thế hệ cán bộ đã nỗ lực không ngừng.
Những ngày đầu gian khó
Ra đời năm 1969, trong lúc đất nước chiến tranh, điều kiện kinh tế, xã hội còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, cơ sở vật chất chưa có, cán bộ được Bộ Y tế đưa về bệnh viện công tác lúc đầu chỉ có 7 người. Với chừng ấy cán bộ vừa thành lập, xây dựng đơn vị, vừa bắt tay vào công việc chuyên môn, mặt khác vẫn phải lo thường trực với mọi hiểm họa, đánh phá của máy bay giặc Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo Bộ Y tế tại Lễ khánh thành Bệnh viện Nội tiết TW mới tại Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: BVNTTW
Từ khi thành lập cho đến những năm đầu của thập kỷ 90, bệnh viện chủ yếu làm công tác phòng bệnh bướu cổ trên phạm vi toàn quốc. Điều tra, đánh giá, phân vùng bướu cổ đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, phải xây dựng một hệ thống mạng lưới chuyên khoa ở 63 tỉnh, thành phố. Đây là công việc rất khó khăn vì quan niệm về công tác phòng chống bướu cổ hay còn gọi là phòng chống các rối loạn thiếu iốt (RLTI) ban đầu còn có những ý kiến khác nhau. Thời kỳ này, BVNTTW đã tham mưu cho Bộ Y tế xây dựng một chiến lược phòng chống bướu cổ toàn quốc được Nhà nước xếp vào 1 trong 10 chương trình quốc gia trọng điểm của cả nước. Nhờ đó mà các tổ chức quốc tế vào hợp tác, đầu tư, viện trợ cho chương trình tương đối hiệu quả - đó là tổ chức phi chính phủ CEMUBAC của Bỉ năm 1984, Unicef 1987 và Australia năm 1994. Mục tiêu của chương trình đến năm 2005: thanh toán tình trạng thiếu iốt ở trẻ em từ 8 - 10 tuổi.
Đến nay, có thể nói rằng, với kinh nghiệm tổ chức xây dựng mạng lưới chỉ đạo tuyến về công tác phòng chống bướu cổ đã giúp cho việc điều tra, chỉ đạo, tuyên truyền trong cộng đồng về chương trình phòng và chống các nguy cơ của bệnh đái tháo đường một cách hữu hiệu. Ngoài ra, BVNTTW đã tham mưu cho Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành một số văn bản pháp quy để phục vụ cho công tác chỉ đạo tuyến đối với chương trình phòng chống các rối loạn thiếu iốt (RLTI); cấp muối iốt cho các tỉnh miền núi và Tây Nguyên nghèo, khó khăn, trợ cước, trợ giá cho việc sản xuất, vận chuyển muối iốt trên cả nước.
Kết quả từ những nỗ lực không ngừng
Sau khi ổn định công tác chỉ đạo tuyến, phòng bệnh trong cộng đồng, BVNTTW tiếp tục kiện toàn lại tổ chức, sắp xếp cán bộ, tập trung vào 2 nhiệm vụ chính là phòng và điều trị bệnh liên quan tới nội tiết và rối loạn chuyển hóa.
Năm 2002, BVNTTW đã làm chủ Dự án Đái tháo đường cấp Nhà nước mã số KC.10-15 nằm trong Dự án phòng chống một số bệnh không lây nhiễm được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 17/6/2002.
PGS.TS. Trần Ngọc Lương chuyển giao công nghệ phẫu thuật nội soi tuyến giáp tại Malaysia. Ảnh: BVNTTW
Hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ thanh toán tình trạng thiếu iốt trên phạm vi toàn quốc ở trẻ em lứa tuổi học đường (8 - 10 tuổi). Xây dựng hoàn chỉnh bản đồ dịch tễ học về bệnh đái tháo đường, từ đó đã đề ra phương pháp dự phòng và điều trị bệnh một cách hiệu quả. Với sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), BVNTTW đã xuất bản 01 cuốn sách về “Phòng chống bệnh Đái tháo đường ở Việt Nam” 2 tập.
Từ năm 2009 tới nay, được phép của Bộ Y tế, bệnh viện đã kiện toàn cơ bản tổ chức nhân sự các khoa phòng theo yêu cầu nhiệm vụ. Cải tiến lề lối làm việc của các khoa, phòng, đặc biệt là việc tiếp đón bệnh nhân. Xây dựng một phòng lấy bệnh phẩm tập trung, thực hiện thu viện phí tập trung một cửa. Thu hẹp các phòng hành chính, làm việc của nhân viên, ưu tiên kê thêm giường bệnh để bệnh nhân không phải nằm ghép. Xây dựng nhỏ, sửa chữa cải tạo các khu buồng bệnh để tăng thêm diện tích, kê thêm giường.
Ngoài việc quản lý nhân lực bằng cách chấm công hàng ngày tại các khoa phòng, trực ban, bệnh viện còn tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng công việc thực tế. Thay đổi giờ làm việc của từng bộ phận, yêu cầu cải tiến phương pháp để trả kết quả xét nghiệm sớm phục vụ bệnh nhân với chất lượng cao và nhanh chóng.
Bệnh viện đã đưa hệ thống máy vi tính vào quản lý nhân lực và công việc, quản lý thuốc, hoá chất, vật tư tiêu hao và quản lý viện phí, vì vậy đã công khai viện phí cho bệnh nhân và làm tăng nguồn thu cho bệnh viện gấp nhiều lần so với trước.
Đạt được những thành tích đó trong điều kiện cơ sở vật chất chật chội, thiếu thốn, BVNTTW vừa phải đảm bảo công tác chuyên môn, vừa phải có biện pháp giải quyết vấn đề quá tải. Khoa Khám bệnh thường xuyên phải làm việc tới 18 - 19 giờ để khám cho bệnh nhân. Các bác sĩ phải làm việc từ 6 giờ sáng để phục vụ người bệnh.
Từ những khó khăn ban đầu, tới nay, bệnh viện có 2 cơ sở: cơ sở 1 tại Tứ Hiệp, Thanh Trì (ngoại thành Hà Nội) với 2 bloc nhà 7 tầng và 9 tầng cùng các công trình phụ trợ, dịch vụ đầy đủ tiện nghi với 500 giường tiếp nhận bệnh nhân và cơ sở 2 ở Thái Thịnh, Đống Đa (Hà Nội) là nơi tiếp nhận và điều trị ban ngày cho những bệnh nhân ngoại trú cùng với Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến. Hiện bệnh viện có 38 khoa lâm sàng và cận lâm sàng cùng các phòng chức năng với 552 cán bộ nhân viên. Có cơ sở mới này, bệnh viện đã giải quyết được vấn đề quá tải và nằm ghép giường cho bệnh nhân.
Nói đến BVNTTW không thể không nhắc tới Khoa Ngoại, bởi đây là khoa không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được biết đến trong khu vực và trên thế giới với kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp mang tên Dr. Lương. Kỹ thuật này đã được chính PGS.TS. Trần Ngọc Lương - Phó Giám đốc phụ trách ngoại khoa nghiên cứu ứng dụng thành công và còn được bạn bè đồng nghiệp quốc tế đến học hỏi.
45 năm qua đi với biết bao thăng trầm, nhưng những thành tựu đạt được của BVNTTW đã xứng đáng với bao mồ hôi công sức của CBCNVC BVNT qua nhiều thế hệ đổ xuống.
Thu Hà