Hà Nội

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị toàn diện cho người bệnh

11-05-2023 10:06 | Y tế
google news

SKĐS - Thời gian qua bệnh viện Nội tiết Nghệ An đã nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân bằng cách điều trị toàn diện người bệnh. Ngoài việc điều trị bệnh nhân bằng các loại thuốc, bệnh viện đã rất chú trọng đến vấn đề đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị toàn diện cho người bệnh - Ảnh 1.

Tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An

Điều trị bệnh nhân toàn diện

Trong điều trị bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp, bệnh nhân cần được lập một kế hoạch điều trị cụ thể tùy theo cá thể người bệnh, trong đó thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng, luyện tập, dùng thuốc, theo dõi đường máu… sẽ rất hữu ích giúp người bệnh đái tháo đường cải thiện sức khỏe, kiểm soát tốt lượng đường trong máu và giảm các biến chứng của bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

"Thời gian qua bệnh viện Nội tiết Nghệ An đã nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân bằng cách điều trị toàn diện người bệnh. Ngoài việc điều trị bệnh nhân bằng các loại thuốc, bệnh viện đã rất chú trọng đến vấn đề đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Cụ thể bệnh viện đã triển khai các mô hình như: Khoa Dinh dưỡng & tiết chế triển khai mô hình khám và tư vấn chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh tại phòng tư vấn dinh dưỡng "Ngày đầu tiên", thông qua câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường, hội chẩn tại bệnh phòng các bệnh nhân nặng, cung cấp suất ăn bệnh lý để mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh". Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cho biết.

Thông qua phòng tư vấn "Ngày đầu tiên" các bệnh nhân mắc đái tháo đường và tăng huyết áp mới phát hiện hoặc đã từng điều trị tại bệnh viện sẽ được các chuyên gia tư vấn là các bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo bài bản và có trình độ cao, giải đáp những thắc mắc, hướng dẫn điền phiếu theo bảng câu hỏi, và tư vấn trực tiếp về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hàng ngày cũng như đánh giá việc tuân thủ điều trị của người bệnh.

Đây sẽ là cánh tay nối dài của các bác sĩ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về bệnh, qua đó giúp người bệnh thay đổi lối sống tích cực, tăng khả năng kiểm soát bệnh một cách hiệu quả, góp phần hướng tới mục tiêu phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nội tiết.

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị toàn diện cho người bệnh - Ảnh 2.

Phát tờ rơi về dinh dưỡng, chế độ luyện tập cho bệnh nhân đái tháo đường

Song song với hoạt động của phòng tư vấn "Ngày đầu tiên", Khoa dinh dưỡng và tiết chế phối hợp cùng với câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường triển khai các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng cho bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú và các bệnh nhân khác nhằm giúp bệnh nhân hiểu thêm về kiến thức bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp để theo dõi, dùng thuốc và tập luyện hợp lý nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý

Chế độ dinh dưỡng là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân.

Bệnh nhân đái tháo đường cũng có nhu cầu năng lượng gần giống như người bình thường. Tuy nhiên nhu cầu này tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tuổi, loại lao động, thể trạng béo hay gầy…

Glucid (chất bột đường): Trong bệnh đái tháo đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn do vậy điều cơ bản trong chế độ ăn của bệnh nhân là phải hạn chế glucid, tuy nhiên không được giảm quá nhiều để cơ thể vẫn có thể duy trì được cân nặng và hoạt động bình thường.

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị toàn diện cho người bệnh - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Nghệ An thăm, tặng quà bệnh nhân chạy thân nhân tạo

Tỷ lệ năng lượng do glucid được chấp nhận là 50 - 60% (người bình thường là 65%) tổng số năng lượng của khẩu phần. Nên sử dụng các glucid phức hợp gồm gạo, khoai củ. Hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (đường, bánh, mứt, kẹo, nước ngọt)./

Protein (chất đạm): Nhu cầu 15-25% tổng năng lượng nên sử dụng các chất đạm có nguồn gốc từ động vật( Thịt, cá, trứng , sữa) phối hợp với protein thực vật( vừng lạc, đậu, đỗ).Nên lựa chọn đa dạng các loại thức ăn và thực phẩm. Đái tháo đường kết hợp viêm cầu thân thể cao huyết áp hoặc suy thận giai đoạn 1-2:Nhu cầu protid là 0,8 g/kg cân nặng chuẩn. Đái tháo đường kết hợp suy thận giai đoạn 3-4 hoặc viêm cầu thận thị nhu cầu protid là 0,6g/g cân nặng chuẩn.

Lipid (chất béo): nên ăn chất béo vừa phải và giảm chất béo bão hòa (mỡ động vật) vì dễ gây xơ vữa động mạch. Nhưng khẩu phần của người đái tháo đường cũng rất cần chất béo để cung cấp năng lượng (bù lại phần năng lượng do glucid cung cấp bị giảm đi). Nên ăn các acid béo bão hòa có trong các loại dầu hạt (dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương…). Tỉ lệ năng lượng do chất béo nên là 15-25% tổng số năng lượng khẩu phần.

Vitamin và các yếu tố vi lượng: Cần đảm bảo đủ các vitamin và yếu tố vi lượng (sắt, iốt…). Các thành phần này thường có trong rau quả tươi.

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị toàn diện cho người bệnh - Ảnh 4.

Tuyên truyền về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai

Chất xơ: nên ăn những thức ăn có nhiều chất xơ (xenluloza), nhất là chất xơ hòa tan. Chất xơ có nhiều trong các loại rau quả, đặc biệt là các loại rau quả có màu xanh đậm, khi ăn nên ăn ở dang nguyên xơ, nguyên múi hạn chế việc xay quá kỹ, quá nhuyễn. Nên ăn nhiều món rau trộn, sa lát, luộc và phối hợp với thực phẩm ngũ cốc.

Số bữa ăn: Để đảm bảo không bị tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết xa bữa ăn, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày dựa trên tổng số năng lượng của cả ngày như sau: Bữa sáng: 15%. Bữa phụ buổi sáng: 10% .Bữa trưa: 30% . Bữa phụ buổi chiều: 10%. Bữa tối: 25%. Bữa phụ buổi tối (trước khi đi ngủ): 10%

Chế độ tập luyện

Chế độ tập luyện đi cùng với chế độ dinh dưỡng phù hợp song song theo dõi đường huyết và dùng thuốc là những biện pháp rất cần thiết cho bệnh nhân đái tháo đường, kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng một cách hiệu quả.

Bệnh nhân đái tháo đường cần lựa chọn hình thức vận động phù hợp với thể trạng bệnh lý và độ tuổi, hình thức vận động vừa phải với mức tiêu hao năng lượng khoảng 170-400 kcal… như: Đi bộ, đạp xe, thái cực quyền, khí công, bơi lội,…

Phương thức tập luyện, bệnh nhân cần khởi động nhẹ nhàng trước khi tập luyện khoảng 10-15 phút. Sau đó bước vào phần tập chính với cường độ khoảng 30-40 phút, cuối cùng là giảm dần khối lượng bài tập bằng cách co duỗi hoặc đi bộ nhẹ nhàng.

Cần tập luyện đều đặn, khoảng ít nhất 3 lần/tuần để đạt được hiệu quả, tập tăng dần khối lượng, sau đó giảm dần, phối hợp nhiều kiểu tập khác nhau. Cường độ tập luyện: Tập luyện bằng 60-70% cường độ tập luyện tối đa đạt được, tránh để tăng huyết áp tâm thu lên cao.

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị toàn diện cho người bệnh - Ảnh 5.

Bệnh nhân đái tháo đường cần có chế độ luyện tập hợp lý

Phòng bệnh

Việc phòng bệnh đái tháo đường cũng cần được quan tâm. Cần có một chế độ ăn uống hợp lý, cân đối, không ăn quá nhiều các thức ăn có năng lượng cao, hạn chế sử dụng các loại thức ăn có hàm lượng đường nhiều (bánh, kẹo, mứt, nước ngọt), ăn với lượng ít hoa quả có đậm độ đường cao.

Cần có nếp sống năng động, tránh tình trạng trì trệ. Thực hiện lối sống lành mạnh, hoạt động thể lực thường xuyên và hợp lý. Giữ cân nặng ở mức tiêu chuẩn, không để tăng cân quá ngưỡng là những yếu tố tích cực giúp phòng tránh bệnh đái tháo đường.

Chế độ dinh dưỡng, luyện tập luyện tốt và đúng sẽ rất hữu ích giúp người bệnh đái tháo đường cải thiện sức khỏe, kiểm soát tốt lượng đường trong máu và giảm các biến chứng của bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Biến chứng tim mạch do bệnh Đái tháo đường và cách phòng ngừaBiến chứng tim mạch do bệnh Đái tháo đường và cách phòng ngừa

SKĐS - Đái tháo đường là một bệnh nội tiết chuyển hóa đặc trưng bởi sự tăng đường máu mạn tính. Bệnh gây ra nhiều biến chứng cấp tính và mạn tính nguy hiểm. Trong đó biến chứng tim mạch là nguyên nhân gây tử vong cao ở bệnh nhân đái tháo đường.



Bài, ảnh: Từ Thành - Thảo Ly
Ý kiến của bạn