Hà Nội

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị hiệu quả bệnh lồi mắt sau Basedow

02-08-2022 09:00 | Y tế
google news

SKĐS - Lồi mắt sau bênh Basedow là biến chứng rất thường gặp. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sức khỏe mà còn tác động xấu đến cuộc sống thường ngày của bệnh nhân. Hiện nay, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An đang quản lý, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mắc bệnh mắt sau Basedow.

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị hiệu quả bệnh lồi mắt sau Basedow - Ảnh 1.

Sau điều trị bệnh nhân Trần Thị Nh đã đỡ rất nhiều, hết viêm, lồi mắt đã giảm xuống

Điều trị hiệu quả Bệnh mắt Basedow

Bệnh nhân Trần Thị Nh, sinh 1959, ở xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An vào bệnh viện Nội tiết Nghệ An thăm khám trong tình trạng mệt mỏi, nhìn mờ, lồi mắt. Qua khai tác bệnh sử, bệnh nhân Nh bị bệnh Basedow, lồi mắt cách đây nhiều năm, đã từng đi điều trị nhiều nơi không thuyên giảm, không có chỉ định phẫu thuật,… bệnh tình đã làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bệnh nhân Nh.

Sau khám, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhân Nh được chẩn đoán bị bệnh Basedow; Lồi mắt; nhịp nhanh xoang - Loãng xương - Suy thượng thận do thuốc và đã được chỉ định điều trị nội trú theo liệu trình truyền Corticoid liều cao 12 tuần. Hiện nay, bệnh tình của bệnh nhân đã đỡ rất nhiều, hết viêm, lồi mắt đã giảm xuống, không có tai biến, không có tác dụng phụ trong điều trị.

Tương tự bệnh nhân Nh, bệnh nhân Nguyễn Thị O, sinh 1987, ở xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, Nghệ An cũng nhập viện với các biểu hiện mệt mỏi, lồi mắt và cũng được chỉ định điều trị liệu trình truyền Corticoid liều cao. Hiện bệnh tình đã thuyên giảm, hết viêm, giảm lồi mắt.

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị hiệu quả bệnh lồi mắt sau Basedow - Ảnh 2.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Nguyễn Thị O

Theo thống kê của Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2022, bệnh viện đang quản lý điều trị 2.336 bệnh nhân Basedow trong đó có khoảng 50% trường hợp biểu hiện bệnh lý mắt do Basedow.

Tỷ lệ mắc bệnh mắt theo giới tương tự như tỷ lệ bệnh Basedow (nữ/nam khoảng 4/1). Bệnh nhân nữ nguy cơ mắc bệnh mắt cao hơn nam, nhưng bệnh xuất hiện ở nam thường biểu hiện nặng hơn so với nữ.

BS CKII Nguyễn Thanh Hải, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cho biết: Các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý mắt do Basedow từ trung bình đến nặng, chúng tôi chỉ định liệu trình truyền Corticoid liều cao 12 tuần, gia đoạn 6 tuần đầu bệnh nhân được truyền liều cao, 6 tuần sau liều được giảm xuống 1/2. Qua quá trình điều trị, các bệnh nhân đều đáp ứng tốt với thuốc, bệnh tình ngày càng thuyên giảm, không xẩy ra tai biến, không tác dụng phụ trong điều trị.

Bệnh mắt Basedow

Theo BS CKII Nguyễn Thanh Hải, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An thì bệnh mắt Basedow (cũng được gọi là bệnh mắt liên quan tuyến giáp, bệnh mắt Graves, Thyroid eye disease ) cho tới nay vẫn còn là một thách thức về mặt chẩn đoán và điều trị. Tổn thương mắt xuất hiện liên quan đến bệnh song tiến triển có thể không song hành với bệnh chính.

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị hiệu quả bệnh lồi mắt sau Basedow - Ảnh 3.

Lồi mắt do cường giáp. Ảnh minh hoạ

Bệnh mắt gây tổn thương tất cả các cấu trúc của mắt. Mặc dù gặp với tỷ lệ không cao song vẫn có nhiều bệnh nhân tổn thương mức độ nặng, dẫn đến mất thị lực hoặc nhiễm khuẩn hốc mắt phải cắt bỏ. Khi biểu hiện mắt có thể phải bổ sung trong phác đồ điều trị cùng với bệnh chính.

Bệnh mắt Basedow đa số gặp gặp ở các bệnh nhân đang có cường giáp chức năng tuyến giáp (90%), tuy nhiên cũng có khoảng 10% số bệnh nhân bình giáp và khoảng 3% suy giáp có biểu hiện tổn thương mắt. Trong số bệnh nhân cường giáp có khoảng 50% trường hợp biểu hiện bệnh mắt tuy nhiên bệnh thường ở mức độ nhẹ và trung bình, khoảng 5% ở mức độ nặng. Theo nghiên cứu Vũ Bích Nga trên 58 bệnh nhân Basedow cho thấy có 34 bệnh nhân có bệnh lý mắt Basedow: chiếm tỷ lệ 58,6%. 10 bệnh nhân có bệnh lý mắt Basedow nặng chiếm tý lệ 17,2%.

Điều trị bệnh mắt Basedow

Hiện nay có nhiều phương pháp và phương tiện để điều trị bệnh mắt Basedow như dùng thuốc kháng giáp hoặc phẫu thuật, xạ trị hốc mắt, Corticoid uống hoặc truyền tĩnh mạch… Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng.

Theo BS CKII Nguyễn Thanh Hải bệnh mắt Basedow tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể mà ta chọn phương pháp điều trị cho phù hợp và đạt hiệu quả cao. Đối với bệnh mắt mức độ nhẹ, điều trị tại chỗ như cho bệnh nhân đeo kính râm hoặc miếng dán bảo vệ mắt, tránh tiếp xúc với ánh sáng; Nhỏ nước mắt nhân tạo hoặc nước muối sinh lý 2-3 giờ/lần; Nâng cao đầu giường khi đi ngủ; bỏ thuốc lá…

Còn đối với bệnh mắt Basedow đang hoạt động, mức độ trung bình và nặng, có thể sử dụng đường uống hoặc đường tĩnh mạch tùy thuộc mức độ bệnh và đáp ứng của bệnh nhân, tuy nhiên đường tĩnh mạch cho thấy hiệu quả hơn và an toàn hơn so với đường uống.

Đối với Corticoid đường uống, sử dụng Prednisolone 30 mg/ngay x 4 tuần. Corticoid đường tĩnh mạch: Methyl Prednisolone 500mg/tuần trong 6 tuần, sau đó 250 mg/tuần trong 6 tuần tiếp theo. Tổng 12 tuần với 4,5g/12 tuần. Mỗi tuần chỉ truyền 1 lần duy nhất.

BS CKII Nguyễn Thanh Hải điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh lồi mắt sau Basedow

Nếu không đáp ứng hoặc chống chỉ định với Corticoid, có thể sử dụng các phương pháp điều trị khác: như các thuốc ức chế miễn dịch; Chiếu xạ hốc mắt..

Điều trị bệnh mắt Basedow mức độ trầm trọng đe dọa thị lực. Với trường hợp này, bệnh nhân cần được điều trị ngay bằng phác đồ Corticoid tĩnh mạch: Methyl Prednisolone 1000mg/ngày trong các ngày 1,2,3, nghỉ ngày 4,5,6,7 và truyền tiếp các ngày 8,9,10.

Đánh giá đáp ứng sau 2 tuần điều trị: Đáp ứng tốt (thị lực cải thiện, còn triệu chứng viêm): tiếp tục duy trì Corticoid đường uống bắt đầu từ ngày 15: Prednisolone: 2 tuần đầu: 40 mg/ngày, 4 tuần tiếp: 30mg/ngày, 4 tuần tiếp: 20mg/ngày sau đó giảm liều dần mỗi 2,5 mg/tuần. Phẩu thuật giảm áp khi tình trạng viêm ổn định.

Lời khuyên của thầy thuốc

Theo BS CKII Nguyễn Thanh Hải thì Bệnh mắt tuyến giáp vẫn còn là căn bệnh gây phiền toái, tốn tiền của và phải điều trị lâu dài đối với những ai đang không may mắc phải nó. Thay đổi về ngoại hình cũng như về mắt làm nhiều người tự ti, trầm cảm, có người đã tự vẫn.

Vì vậy, đối với người bình thường, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu như mất ngủ hoặc khó ngủ, gầy sút, giảm cân đột ngột nhưng tăng sự thèm ăn, tiêu chảy hoặc đại tiện nhiều hơn, tim đập mạnh, run tay, lồi mắt... thì nên đi khám ngay. Bởi đây là những triệu chứng phổ biến của bệnh Basedow hay chứng cường giáp. Phát hiện và điều trị bệnh sớm có thể ngăn các biến chứng nặng có thể xảy ra.



Khánh Tâm
Ý kiến của bạn