Sáng 7/4, tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đã diễn ra Lễ công bố các Nghị quyết của Hội đồng trường về việc tiếp nhận, bổ nhiệm phó giám đốc Học viện Y – Dược cổ truyền Việt Nam, bổ nhiệm kiêm giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh đối với TS Lê Mạnh Cường.
Theo đó, tại Nghị quyết số 556/NQ-HĐT, Hội đồng trường đã tiếp nhận, bổ nhiệm TS Lê Mạnh Cường – Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TW giữ chức vụ phó giám đốc Học viện Y – Dược cổ truyền Việt Nam, bổ nhiệm kiêm giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
Nhận nhiệm vụ mới, TS Lê Mạnh Cường nói "Tôi nhận thức được việc được bổ nhiệm Phó Giám Đốc Học viện kiêm Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh là vinh dự đồng thời là trách nhiệm".
Tân Giám đốc hứa phấn đấu, nỗ lực không ngừng thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch đưa ra, cùng lãnh đạo Học viện, Bệnh viện thực hiện mục tiêu đưa Học viện, Bệnh viện Tuệ Tĩnh ngày càng phát triển.
Đồng thời ông cũng mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ, hợp tác của toàn bộ người lao động Bệnh viện Tuệ Tĩnh trong thời gian tiếp theo...
Trước đó, Sức khoẻ & Đời sống có đưa tin về việc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, thuộc Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam nợ lương của cán bộ, viên chức, người lao động, chiều ngày 12/1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.
Công đoàn y tế Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ người lao động của Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
Đến nay, lương của người lao động Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã được chi trả hết tháng 3/2022.
Nhằm giải quyết các khó khăn trong thời gian vừa qua, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám đốc Học viện, tập thể lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã thống nhất phương án tái cơ cấu bệnh viện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển.
Cụ thể cần triển khai một số hoạt động như sau: kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả; xây dựng đề án vị trí việc làm và các quy chế nội bộ; phương án bố trí sắp xếp nhân sự; phương án cơ chế tài chính, quản trị bệnh viện; phát triển và mở rộng phạm vi chuyên môn; nâng cao hiểu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị…
Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam có nhiệm vụ đào tạo khối ngành sức khoẻ trình độ đại học (trong đó có ngành y học cổ truyền, y khoa, dược học), sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y, dược; khám chữa bệnh, phát triển hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Học viện là cơ sở lớn nhất cả nước về lĩnh vực đào tạo nhân lực y học cổ truyền, Học viện hiện đang đào tạo 5419 học viên, sinh viên, trong đó có 4958 sinh viên các ngành y học cổ truyền, y khoa và dược học và 461 học viên sau đại học (tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú).