Theo sự phân công của Bộ Y tế, BV Nhi TW sẽ tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng thuộc các cơ quan Trung ương, Bộ/Ngành, các cơ quan ngang Bộ và tổ chức quốc tế trên địa bàn Hà Nội.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã kiểm tra quy trình tiêm chủng, công tác khám sàng lọc, bảo quản vắc xin, khu cấp cứu, nghỉ, theo dõi của người tiêm và hỏi thăm tình hình các cán bộ y tế bệnh viện Nhi đã được tiêm chủng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê kiểm tra công tác phòng chống dịch, giãn cách bệnh nhân tại BV Nhi TW
Báo cáo với đoàn Kiểm tra, PGS.TS Trần Minh Điển – Giám đốc BV Nhi TW cho biết, thực hiện Công điện số 628/CĐ-BCĐQG về việc khẩn trương thực hiện giãn cách và tăng cường xét nghiệm tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trường đại học và các công điện của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, Bệnh viện đã xây dựng kịch bản phòng khi bệnh viện bị phong tỏa toàn bộ Bệnh viện.
Bệnh viện đã thực hiện công tác giãn cách, theo đó trước đây khám ngoại trú trung bình 4.000 bệnh nhân/ ngày nay giảm xuống 1.000-1500 bệnh nhân; Điều trị nội trú từ 2.000 bệnh nhân xuống 1.000-1.500.
Hiện 1/3 nhân viên của Bệnh viện được làm việc luân phiên để phòng ngừa tình hình dịch bệnh bùng phát bệnh viện vẫn đảm bảo nguồn nhân lực chăm sóc. Các học viên cũng tạm thời dừng việc học trong giai đoạn này.
Đối với xét nghiệm, bệnh viện tăng cường xét nghiệm cho các nhóm nguy cơ tại các khoa truyền nhiễm, các khoa điều trị bệnh nhân mạn tính, xét nghiệm cho mẹ và bệnh nhân lọc máu… Bệnh viện đã bố trí khu cách ly tách biệt trong bệnh viện.
Đối với vấn đề an toàn tiêm chủng, BV Nhi TW đã tổ chức tập huấn và diễn tập các tình huống tiêm chủng. Khu tiêm chủng bố trí khu sàng lọc, khám trước tiêm, giường bệnh và chỗ nghỉ cho cán bộ nhân viên bệnh viện và các cán bộ thuộc các đơn vị được phân công tiêm chủng tại Bệnh viện. Trong các trường hợp đã tiêm tại BV có 2 trường hợp có phản ứng và được bệnh viện xử lý kịp thời, sức khỏe người được tiêm đã ổn định.
Hiện nay năng lực xét nghiệm Realtime PCR của bệnh viện đạt trên 1.000 mẫu/ngày và Bệnh viện Nhi TW cũng đang xây dựng kế hoạch để nâng công suất 1.500 mẫu/ ngày. Trong thời gian qua, Bệnh viện đã tích cực hỗ trợ nhiều đơn vị trong công tác sàng lọc xét nghiệm COVID-19 theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế.
Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Y tế "truy bài" nhân viên y tế về công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đánh giá cao công tác chuẩn bị đảm bảo an toàn tiêm chủng tại bệnh viện cũng như việc thực hiện nghiêm công tác giãn cách trong bệnh viện.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng mong muốn BV Nhi TW nâng cao năng lực xét nghiệm và trở thành một đơn vị kiểm chuẩn xét nghiệm hàng đầu của Bộ Y tế, sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện khác khi Bộ Y tế điều động. Bên cạnh đó, BV phải nâng lên mức cảnh báo cao nhất; quản lý quán triệt cán bộ, nhân viên thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt Bệnh viện tổ chức tốt công tác tiêm chủng và đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu, bệnh ổn định. Bố trí khu vực “vùng đệm” để khám và điều trị cho người bệnh cấp cứu trong khi chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.
Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà (nếu được ở lại chăm sóc), chỉ chuyển tuyến khi có kết quả âm tính; đồng thời chủ động xét nghiệm định kỳ theo diễn biến dịch nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Các đơn vị căn cứ khả năng triển khai tiến hành thực hiện xét nghiệm gộp mẫu theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 1817/QĐ-BYT ngày 07/4/2021 hoặc bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo hướng dẫn tại Công văn số 3848/BYT-DP ngày 10/5/2021.
Khi cho người bệnh ra viện phải có thông báo cho địa phương thông qua Sở Y tế (CDC các tỉnh) để các cơ sở tiếp tục theo dõi, giám sát sức khoẻ.
Nguồn kinh phí thực hiện xét nghiệm: Đối với người bệnh có thẻ BHYT thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn số 1126/BHXH-CSYT ngày 29/4/2021, các đối tượng còn lại và phần đồng chi trả của người có thẻ BHYT chi từ nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID-19 được cấp có thẩm quyền giao và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Bố trí đủ nhân lực, phân chia ca kíp hợp lý, bảo đảm phục vụ người bệnh sau khi giãn cách; thực hiện chăm sóc toàn diện cho người bệnh, đặc biệt bảo đảm đủ nhân lực trong trường hợp bệnh viện bị cách ly, phong toả.